Cơn sốt "thanh năng lượng dạng hít" lan nhanh trong các trường học Trung Quốc
Cập nhật lúc 12:14, Chủ nhật, 10/12/2023 (GMT+7)
Chuyên gia Trung Quốc lo ngại về tình trạng gia tăng học sinh sử dụng "thanh năng lượng dạng hít" ở trường, lưu ý rằng chúng có thể gây ra tác dụng phụ hoặc gây nghiện.
“Hít một hơi trước giờ học và một hơi sau giờ học.” Đó là một trong nhiều lời quảng cáo nhằm lan tỏa độ phủ sóng của “thanh năng lượng dạng hít” trong giới thanh thiếu niên Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Được tiếp thị như một công cụ giúp học sinh tỉnh táo trong giờ học, "thanh năng lượng dạng hít” đã làm dấy lên mối lo ngại của các chuyên gia và cơ quan chức năng về những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe và những tác động tâm lý tiêu cực của nó.
“Thanh năng lượng dạng hít” bao gồm hai ống nhựa hình que và hầu hết có sẵn trên các gian hàng thương mại điện tử. Khi hít vào, người dùng sẽ cảm nhận được sự sảng khoái đến từ các mùi hương như bạc hà, borneol, long não và tinh dầu thực vật.
Có giá từ 10 đến 30 nhân dân tệ (1.40-3.20 USD) và có nhiều hương vị, “thanh năng lượng dạng hít” được tiếp thị cho học sinh với khẩu hiệu như “thứ cần phải có để giảm buồn ngủ trong lớp.”
Trong khi nguồn gốc của sản phẩm không rõ ràng, những món đồ có chức năng tương tự - được thiết kế để làm sạch mũi và sảng khoái tinh thần - đã có mặt từ lâu nhưng chỉ mới trở nên phổ biến trong giới học sinh gần đây.
Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo kêu gọi phụ huynh và học sinh sử dụng "thanh năng lượng dạng hít” một cách thận trọng. Thông báo nêu chi tiết rằng việc nhét những chiếc que này vào mũi có thể đưa vi khuẩn vào và gây hại cho niêm mạc mũi. Nó cũng có thể dẫn đến các tình trạng nhẹ như viêm mũi hoặc trong trường hợp nặng là loét mũi và chảy máu.
Yin Kai, Giám đốc khoa Nội tổng hợp Bệnh viện trực thuộc 5 Đại học Y miền Nam ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết việc sử dụng thường xuyên "thanh năng lượng dạng hít" có thể dẫn đến tác dụng phụ.
Yin cho biết: “Chúng có tác dụng tạo cảm giác sảng khoái trong thời gian ngắn và có thể được sử dụng trong trường hợp bị nghẹt mũi hoặc chóng mặt. Hiện tại, chưa phát hiện bất kỳ tác dụng phụ rõ ràng nào từ vật dụng này. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng để tiếp thêm năng lượng cho bản thân trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề.”
Yin giải thích rằng việc sử dụng thường xuyên các thành phần như bạc hà, borneol và long não trong các sản phẩm này có thể dẫn đến phát ban và dị ứng da, đồng thời có thể gây căng thẳng cho hệ hô hấp và thần kinh. Hơn nữa, ông nói thêm rằng những chất này có nguy cơ gây nghiện, gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đáng kể cho trẻ em.
Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc lưu ý rằng với nhiều hương vị, thiết kế bắt mắt với nhiều màu sắc chính là nguyên nhân "thanh năng lượng dạng hít" ngày càng thu hút học sinh.
|
|
Các sản phẩm thanh năng lượng dạng hít được bán online. (Nguồn: Weibo) |
Một số người bán trực tuyến đã cung cấp thêm thông tin để giải tỏa những lo lắng của người tiêu dùng. Một số đã thêm cảnh báo vào mô tả sản phẩm, khuyên trẻ em chỉ nên sử dụng chúng dưới sự giám sát của người lớn.
Một nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Taobao, người đã bán được hơn 10.000 thanh năng lượng dạng hít, nói với Sixth Tone rằng sản phẩm của họ không có hại cũng như không gây nghiện. Mô tả sản phẩm của nhà cung cấp nêu rõ rằng không nên đưa que vào mũi.
“Hãy đặt nó dưới mũi của bạn và ngửi nó,” đại diện nhà cung cấp trên cho biết.
Tuy nhiên, một cửa hàng khác cũng bán sản phẩm tương tự khuyên người dùng nên nhét nó vào mũi và nhân viên dịch vụ khách hàng của họ khẳng định rằng nó an toàn cho học sinh.
Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, "thanh năng lượng dạng hít" còn gây ra mối lo ngại đáng kể về tác động tâm lý tiêu cực của chúng đối với trẻ em.
Hành động hít qua mũi giống như việc tiêu thụ ma túy bất hợp pháp, khiến nhiều cơ quan chống ma túy phải đưa ra cảnh báo.
Văn phòng Kiểm soát Ma túy tỉnh Hồ Bắc thông báo trên mạng xã hội rằng "thói quen hít mọi thứ có thể là điểm khởi đầu cho việc sử dụng ma túy trong tương lai.”
Trong một video trên Wechat, Trung tâm Cai nghiện Ma túy ở tỉnh Cát Lâm cho rằng “thanh năng lượng dạng hít có thể khiến giới trẻ bớt thận trọng hơn trong việc sử dụng ma túy.”
Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng của phụ huynh và các chuyên gia, các cơ quan quản lý và giáo dục khu vực trên khắp Trung Quốc đã hành động.
Vào tháng 11, Cục Quản lý Thị trường ở quận Hải Điến, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch kiểm tra các cơ sở kinh doanh gần trường học, cấm bán "thanh năng lượng dạng hít" cho học sinh./.
Theo vietnamplus