Đánh cả... cha mẹ vì không vừa ý

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hình thành xu hướng bạo lực, nhưng yếu tố gia đình là rất đáng lưu ý. Gia đình thường xuyên có hành vi bạo lực, cha mẹ cãi nhau, hay gia đình nuông chiều mù quáng làm cho trẻ hình thành những hành vi không tốt, ăn vạ, đập phá nếu không được như ý muốn…

Chuyên viên tâm lý, thạc sĩ Phùng Thị Lụa (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2) từng gặp không ít tình huống trẻ có lời lẽ, hành vi bạo lực ngay tại phòng khám.

Mỗi khi điện thoại gần hết pin, P.H.M. - 8 tuổi, ở TP Cần Thơ - bực bội ngắt nhéo liên tục vào tay mẹ. Đứng trước phòng khám tâm lý, M. khoanh tay khệnh khạng, nghênh mặt khiêu khích chuyên viên tâm lý. Thấy vậy, chuyên viên Phùng Thị Lụa ra hiệu cho mẹ của M. ra ngoài. Lúc này, M. mới ngoan ngoãn đi vào, trò chuyện, cư xử phải phép với mọi người.

leftcenterrightdel
 Chuyên viên tâm lý, thạc sĩ Phùng Thị Lụa đang hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhi
Bên ngoài, chị Nguyễn Hiếu Tâm - mẹ của M. - tâm sự M. là con một, từ bé đã quen được chiều chuộng. Chỉ cần không hài lòng, em sẽ đập đồ, thậm chí đánh mắng người thân, gần nhất là đánh luôn bà nội của mình. Chị kể: “Hôm đó, bà nội dọn cơm, vô tình để dĩa thịt mà M. yêu thích hơi xa chỗ bé ngồi. M. nổi cáu hất đổ mâm cơm, ném chén dĩa vào người bà nội. Tôi thấy vậy lên tiếng nhắc nhở, không ngờ M. đuổi đánh cả tôi”. Nói đoạn, chị Tâm lén nhìn vào bên trong phòng xem thái độ của M. Vừa thấy mẹ, M. lập tức la ó, tức giận, chửi mắng người xung quanh. Chuyên viên Phùng Thị Lụa cho biết, do M. nghĩ mẹ đến rồi thì sẽ bênh vực con, hoặc M. giận dữ trong vô thức vì quá quen với sự nhường nhịn từ người thân.

Hơn 1 tháng qua, em N.T.M.D. - 12 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng - thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, khó thở. Em không ngủ được, kết quả học tập giảm sút. Sau các buổi thăm khám gia đình mới biết D. bệnh tâm lý rất nặng. Em không sợ người lạ, liên tục đạp chân vào bàn khám, cào cấu chân của mình. Khi căng thẳng, em than đau đầu, lên cơn khó thở, đau bụng… Được chuyên viên tâm lý động viên, em dần lấy lại bình tĩnh, nói nhỏ: “Cho con cắn móng tay, cho con cào chân đi con mới hết sợ, con phải đánh bạn thì mới không bị khó thở”.

Từ khi D. lên 6 tuổi, mẹ bỏ đi, cha thất chí rơi vào rượu chè, bạo lực. Em kể rằng: “Cha đá vào người, đấm vào lưng, gõ lên đầu… Con nói con đau nhưng cha càng đánh nhiều hơn. Mỗi lần thấy cha, con sợ lắm. Ở trường, nếu con thấy mệt, con đánh bạn”. Chuyên viên Phùng Thị Lụa xót xa: “Bé D. sắp bước vào giai đoạn dậy thì, dần hình thành tính cách, hành vi, cần phải được điều trị sớm. Tuy nhiên, trường hợp của em rất khó điều trị. Muốn giúp em cân bằng, trước tiên phải điều trị tâm lý cho người cha, mà điều này gần như không thể”.

Giúp con nhận diện cảm xúc

Theo chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa, trẻ suy nghĩ rất đơn giản, bắt chước nhanh, dễ “nhiễm” tính của người xung quanh, đặc biệt người thân trong gia đình. Khi cha mẹ, ông bà dùng hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề, trẻ cũng sẽ làm tương tự trong mối quan hệ với bạn bè. Bởi trẻ còn nhỏ, ít va chạm, thiếu kỹ năng xã hội, chưa biết cách giải quyết xung đột của mình. Khi trẻ bạo lực, người lớn tránh đổ lỗi do trẻ nghiện game bạo lực, chơi với bạn xấu, học theo mạng xã hội…

Thực tế, tính khí nóng nảy của trẻ một phần do gen di truyền, hay cha mẹ quá nuông chiều làm trẻ nghĩ mình luôn đúng. Nhưng khi không thể kiểm soát được con, cha mẹ lại bào chữa cho tính cách hung hăng của trẻ là “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, hay đổ lỗi cho ông bà, ngoại cảnh. Trong khi, cha mẹ mới là người có trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con. Khi trẻ bắt đầu hình thành nhân cách, đầu tiên phải xuất phát từ môi trường gia đình. Đôi khi các bé suy nghĩ đơn giản rằng để tránh bị bắt nạt, các con phải mạnh mẽ hơn bằng cách tỏ ra hung dữ, bắt chước cha mẹ bạo lực, dùng hành vi đó để bảo vệ bản thân.

Vì vậy, để tập cho con giữ bình tĩnh, bớt nóng giận, cha mẹ phải thật bình tĩnh, không nên phản bác, la mắng con ngay lúc đó. Hãy đưa trẻ ra khỏi nơi làm trẻ giận dữ, không gợi lại nguyên nhân trước đó. Cùng con nói chuyện để xoa dịu căng thẳng, hướng dẫn con hít thở, hoặc đi rửa mặt cũng giúp trẻ bớt bực bội. Sau đó, giúp con suy nghĩ về những điều vui vẻ, tích cực. Khi con thật bình tĩnh, người lớn hãy hướng dẫn trẻ nói ra cảm xúc nóng giận của mình. Từ đó, cha mẹ nắm bắt được nguyên nhân khiến con khó chịu, giúp con cảm thấy được quan tâm, suy nghĩ lại hành động của mình có phù hợp hay chưa, hướng dẫn con cách điều chỉnh hành vi.

Cha mẹ nên quan sát con, nhất là trong giai đoạn dậy thì, nếu con có biểu hiện buồn chán, thích ở một mình, dễ cáu gắt, hờn giận, tính tình thay đổi, hay cãi lời người lớn, ném đồ vật nếu không đúng ý, không muốn đi học… có khả năng trẻ đang gặp chuyện lo lắng, bạo lực. Hãy tìm cách trò chuyện hoặc đưa con đến chuyên gia tâm lý để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Thái độ của cha mẹ ảnh hưởng lớn tới hành vi của con

Trong tình huống trẻ than phiền, đánh bạn nhiều lần, gia đình và nhà trường cần phối hợp để tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết, tránh kéo dài làm trẻ ấm ức, bị tổn thương, gây ra tình trạng bạo lực leo thang, hay trẻ tự tìm cách xử lý.

Cha mẹ tuyệt đối không đổ lỗi cho con bởi khi trẻ tìm tới sự giúp đỡ, có nghĩa con đang chịu sự ấm ức, đang cần được che chở. Khi yêu cầu sự giúp đỡ nhưng nhận lại sự buộc tội và từ chối, trẻ thường chọn cách chịu đựng, hoặc tự tìm cách giải quyết. Có thể, trẻ sẽ luôn chấp nhận bị bạo hành, hoặc phản ứng thái quá với bạn bè.

Nhiều phụ huynh vội vàng xử lý vấn đề giúp con, đó không phải là cách hay. Nếu người lớn luôn bên con, khi xảy ra xung đột, trẻ không bao giờ học được cách đối mặt với thử thách một cách độc lập. Cha mẹ hãy đưa ra nhiều phương án, hướng dẫn con cách xử lý vấn đề phù hợp khi gặp những chuyện tương tự. Chỉ khi trẻ có đủ niềm tin vào sự an toàn và khả năng ứng phó của bản thân thì hành vi bạo lực mới được đẩy lùi.

Theo phụ nữ TPHCM