Theo tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Đức, Chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu y dược học Tuệ Tĩnh, củ sen sống có tác dụng thanh nhiệt và làm mát máu, cầm máu và tiêu tan ứ đọng. Củ sen nấu chín có tác dụng tăng cường lá lách và ngon miệng, nuôi dưỡng máu và ngăn chặn tiêu chảy, co mạch máu và cầm máu, kích thích đường tiêu hóa và cải thiện táo bón. Ngoài ra, củ sen có thể ngăn ngừa đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết.
Củ sen có hai loại 7 lỗ và 9 lỗ. Trong đó, củ sen bảy lỗ còn được gọi là sen cây rum, củ có vỏ màu vàng nâu, ngắn và dày, thường có vị đắng chát khi ăn sống. Củ sen 9 lỗ được gọi là sen hoa trắng, mịn và mảnh, có vị giòn, mềm, vị ngọt nhẹ khi ăn sống.
|
|
Củ sen giàu chất xơ, chỉ số đường huyết thực phẩm thấp, giúp kiểm soát đường huyết ở người mắc đái tháo đường |
Bác sĩ Đức chia sẻ thêm, không có sự khác biệt rõ ràng về giá trị dinh dưỡng của hai loại củ sen, nhưng cách ăn thì khác nhau. Củ sen 7 lỗ có hàm lượng tinh bột cao, ít nước, thích hợp để nấu canh. Còn củ sen 9 lỗ có độ ẩm cao, giòn, mọng nước, thích hợp để xào hoặc làm nộm.
Ngoài ra, củ sen còn được sản xuất thành dạng sấy khô hoặc tinh bột.
Về các thành phần dinh dưỡng cơ bản, một bữa ăn 100 gam củ sen nấu chín có 17,2 gam carbohydrate; 4,9 gam chất xơ và rất ít đường.
Chỉ số đường huyết thực phẩm rất thấp
Theo bác sĩ Đức, củ sen có chỉ số Gl (chỉ số đường huyết thực phẩm) là 33 và tải lượng đường huyết là 3, khiến nó trở thành thực phẩm có chỉ số GI thấp. Với cơ thể, thực phẩm có giá trị GI thấp sẽ được tiêu hóa và hấp thụ chậm, trong khi thực phẩm có giá trị GI cao sẽ được hấp thu nhanh chóng.
Về công dụng kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ "tồn đọng" mỡ máu, bác sĩ Đức cho hay, người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn củ sen vì hàm lượng chất xơ cao làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể thông qua việc giảm quá trình tiêu hóa carbohydrate. Ngoài ra, củ sen còn tăng cường chuyển hóa lipid, giảm hấp thu chất béo và chứa 4,9 gam chất xơ, có thể đáp ứng tới 27% nhu cầu chất xơ hàng ngày của bạn, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong củ sen giúp hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, và cảm giác no hơn, nhờ đó giảm lượng tiêu thụ thực phẩm.
Bác sĩ Đức hướng dẫn, người mắc đái tháo đường có thể chế biến củ sen trong món ăn chính hoặc bữa ăn phụ. Tuy nhiên, củ sen cũng chứa hàm lượng tinh bột tương đối, khoảng 150 gam củ sen tươi nấu chín có lượng calo tương đương ½ bát cơm.
"Do đó, với bệnh nhân đái tháo đường, nếu ăn củ sen, nên giảm lượng thực phẩm chủ yếu như cơm, bánh mì, tinh bột nói chung cho phù hợp để tránh ăn quá nhiều tinh bột và ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, đồng thời nên hạn chế các món xào, rán", bác sĩ Đức lưu ý thêm.
Chỉ số đường huyết (Gl) của thực phẩm
Chỉ số đường huyết của thực phẩm ở mức cao khi trên 70%; mức trung bình (từ 56 - 69%), thấp (40 - 55%) và dưới 40% là rất thấp.
Dựa vào mức phân loại này và bảng chỉ số đường huyết của các loại thực phẩm thông dụng, chúng ta có thể lựa chọn được các thực phẩm phù hợp với tình trạng đường máu của mình theo nguyên tắc các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp, cơ thể tăng đường máu từ từ và thấp sau ăn.
Các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao làm đường máu tăng nhanh và cao sau ăn.
(Khoa Dinh đưỡng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)
|
Theo Thanh niên