Một đường cong nhẹ ở dương vật thì không có gì đáng lo ngại nếu nó không gây đau hoặc vấn đề khi đi tiểu hay quan hệ tình dục. Tuy nhiên, độ cong hoặc xoắn nghiêm trọng hơn có thể là dấu hiệu của bệnh Peyronie. Tham khảo bài viết để tìm hiểu thông tin về bệnh Peyronie và những lựa chọn để điều trị cong dương vật.

1. Bệnh Peyronie có gây cong dương vật?

Bệnh Peyronie gây ra các mảng bám (mô sẹo xơ bất thường) hình thành xung quanh mô cương cứng của dương vật. Các mảng bám này khiến dương vật cong (lên trên, xuống dưới hoặc sang một bên). Trong một tỷ lệ nhỏ các trường hợp, các mảng bám phát triển ở cả hai bên trên và dưới, làm ngắn và biến dạng dương vật.

Bệnh Peyronie thường có giai đoạn cấp tính, trong đó độ cong tăng lên và dương vật bị đau. Bệnh nhân có thể nhận thấy một khối u hình thành tại vị trí đau và sự cương cứng trở nên khó chịu, đau đớn hoặc mềm hơn bình thường. Giai đoạn cấp tính được theo sau bởi giai đoạn mạn tính khi độ cong ngừng thay đổi và cơn đau giảm dần hoặc biến mất.

Bệnh Peyronie có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của nam giới. Đối với một số người, tình trạng cong dương vật nghiêm trọng đến mức họ không thể quan hệ tình dục. Tình trạng cong dương vật gây xấu hổ, tự ti nhưng ảnh hưởng đến đời sống tình dục, mối quan hệ và tác động tâm lý lớn hơn nhiều.

Cong dương vật có phải là bệnh Peyronie?- Ảnh 1.

Cong dương vật làm cho nam giới tự ti vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây khó khăn khi sinh hoạt tình dục.

2. Bệnh Peyronie được điều trị như thế nào?

Nếu mức độ cong không quá nặng, không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý thì không cần phải can thiệp. Các phương pháp điều trị để làm thẳng dương vật bao gồm thuốc uống hoặc tiêm vào dương vật, thiết bị kéo giãn và phẫu thuật. Nam giới có mảng bám nhỏ, dương vật cong nhẹ, không đau và không có vấn đề gì về tình dục có thể không cần điều trị.

Phẫu thuật điều trị cong dương vật

Phẫu thuật là cách tốt nhất để điều trị bệnh Peyronie nhằm giảm độ cong của dương vật và cải thiện chức năng. Bác sĩ sẽ chỉ đề nghị phẫu thuật nếu tình trạng ổn định và bạn không bị đau trong ít nhất 6 tháng.

Các lựa chọn phẫu thuật cho bệnh Peyronie bao gồm:

Sự gấp nếp: Bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu vào phần "dài" của dương vật để làm cho nó thẳng ra.

Rạch mảng bám và ghép: Phẫu thuật này phức tạp hơn. Phẫu thuật này được sử dụng nếu dương vật có độ cong rất mạnh (hơn 60 độ) hoặc nếu dương vật rất ngắn. Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ di chuyển các dây thần kinh, cắt mảng bám cứng và phủ vùng đó bằng một vật liệu đặc biệt.

Phẫu thuật cấy ghép dương vật: Đối với một số nam giới, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc cương cứng, cấy ghép dương vật có thể là lựa chọn tốt nhất. Cấy ghép giúp cố định đường cong và mang lại sự cương cứng mạnh mẽ.

Thiết bị kéo dài dương vật

Liệu pháp kéo giãn dương vật bằng cách sử dụng thiết bị kéo giãn dương vật hoặc cương cứng bằng chân không máy bơm có thể giúp giảm dị tật dương vật ở một số người mắc bệnh Peyronie. Các thiết bị kéo giãn dương vật thường được đeo từ 2 đến vài giờ mỗi ngày trong nhiều tháng. Kỹ thuật này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Liệu pháp điều trị bằng sóng xung kích (ESWT)

Đây được xem là một phương pháp điều trị nhắm đích, sử dụng máy quét chiếu trực tiếp lên vùng khối u hoặc các mảng lồi lên ở dương vật. Phương pháp này có tính an toàn vì là thủ thuật không xâm lấn nhưng chưa chứng minh được hiệu quả. Liệu pháp sóng xung kích vẫn đang được đánh giá là phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh Peyronie nhưng cho đến nay chỉ ghi nhận lợi ích rất nhỏ.

3. Phải làm gì nếu dương vật bị cong?

Cong dương vật có phải là bệnh Peyronie?- Ảnh 2.

Khi có những dấu hiệu bất thường của cong dương vật, nam giới nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh Peyronie hiếm khi tự khỏi. Nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh Peyronie, hãy gặp bác sĩ thăm khám và có hướng xử lý, khắc phục càng sớm càng tốt để có kết quả điều trị tốt nhất.

Một số thông tin về các biện pháp khắc phục và điều trị tự nhiên cho bệnh Peyronie như các chất bổ sung chế độ ăn uống, các bài tập thể dục, thuốc uống và các chất bổ sung bao gồm vitamin E, colchicine và chất ức chế phosphodiesterase loại 5 (PDE5)... cho thấy lợi ích rất nhỏ trong việc giảm chứng cong dương vật.

Theo BSCKII Nguyễn Tuấn Đạt - Khoa Nam học, Bệnh viện TW Quân đội 108: Với nam giới, khi thấy dương vật bị cong nhiều, gây đau khi cương cứng, gặp khó khăn khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý nên đến ngay các bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và cho lời khuyên cụ thể. Người bệnh tuyệt đối không tự áp dụng các biện pháp chưa được kiểm chứng, không tự điều chỉnh tại nhà để tránh làm cho tình trạng trầm trọng thêm.

Theo suckhoedoisong.vn