Theo đó, có việc làm ổn định trong 12 năm giúp tăng đến 30% khả năng sống thọ, theo tạp chí y khoa News Medical.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Y khoa Karolinska (Thụy Điển) đã sử dụng dữ liệu của hơn 250.000 công nhân Thụy Điển trong độ tuổi từ 20 đến 55 được thu thập trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2017. Nghiên cứu bao gồm những người làm việc bấp bênh rồi sau đó có công việc ổn định.

Việc làm bấp bênh là những công việc có hợp đồng ngắn hạn (ví dụ: tạm thời), lương thấp, quyền lợi ít, nghĩa là công việc không chắc chắn và an toàn. Các nhà nghiên cứu muốn xem xét điều này ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ tử vong sớm và tuổi thọ.

Điều quan trọng trong công việc tăng đến 30% khả năng sống thọ - Ảnh 1.

Người có công việc ổn định trong suốt 12 năm có khả năng sống thọ cao hơn 30%

Shutterstock

Kết quả đã phát hiện những người chuyển từ công việc bấp bênh sang công việc ổn định đã tăng 20% khả năng sống thọ, nghĩa là người có công việc bấp bênh có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 20%.

Đặc biệt, người có công việc ổn định trong suốt 12 năm có khả năng sống thọ cao hơn 30%, theo News Medical.

Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Theo Bodin, Phó giáo sư tại Viện Y học Môi trường, Viện Y khoa Karolinska, cho biết: Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy chuyển từ việc làm bấp bênh sang có công việc làm ổn định có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm, kéo dài tuổi thọ.

Người hướng dẫn nghiên cứu, tiến sĩ Nuria Matilla-Santander, Phó giáo sư tại Karolinska, giải thích: Chúng tôi đã sử dụng các phương pháp để có thể chắc chắn rằng sự khác biệt về khả năng sống thọ và tử vong sớm là do tính bấp bênh của việc làm chứ không phải do các yếu tố cá nhân.

Điều quan trọng trong công việc tăng đến 30% khả năng sống thọ - Ảnh 2.

Người có công việc bấp bênh có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 20%

Shutterstock

Cô tiếp tục: Các kết quả rất quan trọng vì nó cho thấy có thể kéo dài tuổi thọ cho người lao động bằng cách giảm bớt sự bấp bênh trên thị trường lao động.

Tiến sĩ Matilla-Santander cho biết giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu là kiểm tra các nguyên nhân cụ thể gây tử vong sớm trong vấn đề này.

Nghiên cứu được tài trợ chính bởi Hội đồng nghiên cứu về sức khỏe, đời sống lao động và phúc lợi Thụy Điển (Forte).

Theo Thanh niên