Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Ngày 7/1, Giám đốc chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kate O'Brien thông báo việc bàn giao vắcxin ngừa COVID-19 theo Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX có thể được triển khai trong tháng này.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, bà O'Brien cho biết cần khoảng 7 tỷ USD để cung ứng đủ vắcxin đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn vào cuối năm nay.

Hiện COVAX đã huy động được khoảng 6 tỷ USD, do đó các nước có thể tiếp cận hơn 2 tỷ liều vắcxin. Bà O'Brien nêu rõ WHO dự kiến bắt đầu bàn giao số vắcxin này vào cuối tháng này hoặc trong nửa đầu tháng 2.

COVAX là cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin phòng COVID-19 do WHO khởi xướng để có nguồn kinh phí mua và phân phối vắcxin cho các nước nghèo.

Về tình hình vắcxin tại các nước, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của nước này đã cấp phép cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma sản xuất 100 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cơ sở sản xuất của PT Bio Farma tại thành phố Bandung, Bộ trưởng Thohir cho biết BPOM đã trao giấy phép sản xuất 100 triệu liều vắcxin cho doanh nghiệp này. Quy trình sản xuất sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của BPOM cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Thohir, PT Bio Farma chỉ còn phải đợi tiếp nhận các nguyên liệu để có thể bắt tay sản xuất vắcxin ngay. Các nguyên liệu thô này sẽ đến chuyển đến trong thời gian sớm nhất.

Tổng năng lực sản xuất của PT Bio Farma là 250 triệu liều vắcxin mỗi năm và 150 triệu liều vắcxin còn lại vẫn đang phải chờ giấy phép sản xuất của BPOM.

Trong tháng 12/2020, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa COVID-19 với tổng cộng 3 triệu liều do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu đến tháng 3 tới sẽ có gần 30 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 được phân phối cho các địa phương trong cả nước

Tại Nam Phi, Bộ Y tế Nam Phi nước này thông báo sẽ tiếp nhận 1 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ Ấn Độ trong tháng 1 và 500.000 liều tiếp theo vào tháng 2.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết 1,5 triệu liều vắcxin trên do Học viện Serum (SII) của Ấn Độ sản xuất theo giấy phép nhượng quyền từ liên doanh phát triển vắcxin của Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca.

Bộ trưởng Y tế Mkhize nêu rõ lô vắcxin sắp tới sẽ được ưu tiên tiêm phòng cho 1,25 triệu nhân viên y tế tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc. Theo số liệu mới nhất, hiện hơn 40.000 nhân viên y tế tuyến đầu của nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Vietnamplus