|
|
Hội chứng COVID-19 kéo dài đã và đang được các nhà khoa học nghiên cứu |
Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia từ Đại học Washington và Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Saint Louis cho thấy, người đã khỏi COVID-19 vẫn có nguy cơ chịu các biến chứng ở hệ thần kinh, hô hấp và các nội quan khác.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành phân tích hồ sơ y tế của gần 140.000 người Mỹ từng bị nhiễm và khỏi COVID-19, trong đợt bùng dịch năm 2020. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi tình hình sức khỏe của nhóm người này trong 2 năm tiếp theo, tất cả đều biểu hiện ít nhất một trong 80 di chứng kéo dài của COVID-19, như mệt mỏi hoặc khó thở.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 1.000 người bị nhiễm COVID-19, thì có khoảng 80 trường hợp phải chịu di chứng kéo dài trong ít nhất một năm. Nhóm nghiên cứu cho biết, tỉ lệ bệnh nhân bị di chứng ở bệnh tim và ung thư có kết quả tương ứng là 52 và 50 trên 1.000 trường hợp. Tương quan số liệu chứng minh COVID-19 có khả năng để lại gánh nặng dai dẳng hơn cả bệnh ung thư nói chung.
Nhận định về nghiên cứu, nhóm chuyên gia kêu gọi “sự quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu được chăm sóc y tế của những người bị ảnh hưởng lâu dài do COVID-19”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ ước tính cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có một người, (khoảng 7,5%), mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, với các triệu chứng phổ biến như bệnh tim mạch, huyết khối, tiểu đường, các vấn đề về trí nhớ, mệt mỏi và sức khỏe tâm thần, kéo dài 3 tháng trở lên tính từ lần thứ nhất nhiễm virus.
Nhóm chuyên gia khác từ Đại học Nebraska đã tiến hành nghiên cứu khác cho thấy, một người càng bị tái nhiễm COVID-19 nhiều lần, thì nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài càng tăng lên tương ứng, thậm chí biến chứng nặng có thể gây tử vong.
CDC Mỹ cho biết, cuối năm ngoái, hơn 3.500 người Mỹ đã thiệt mạng vì biến chứng COVID-19 kéo dài bao gồm bệnh tim, ung thư, bệnh hô hấp không mạn tính và bệnh Alzheimer, 30% số ca tử vong được ghi nhận ở người lớn từ 75 đến 84 tuổi.
Các nghiên cứu được công bố trong tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng nhanh trở lại ở Mỹ, do các biến thể mới Eris (EG.5) và Pirola (BA.2.86). Riêng biến thể Pirola chứa tới 36 đột biến mới so với Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm cả những người từng bị COVID-19 hoặc đã tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, bác sĩ nội khoa Stuart Fischer phản bác các nghiên cứu nói trên. “Ung thư da và ung thư phổi không phải là bệnh tương đồng. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhẹ và người bệnh có thể chỉ cần đến gặp bác sĩ da liễu, còn trường hợp thứ hai có thể gây tử vong nhanh chóng, vì vậy thuật ngữ “ung thư” nói chung rất mơ hồ” - ông nói.
Theo phụ nữ TPHCM