COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong
Cập nhật lúc 22:42, Thứ sáu, 11/10/2024 (GMT+7)
Một nghiên cứu mới quy mô lớn cho thấy COVID-19 có thể là yếu tố nguy cơ lớn gây đau tim và đột quỵ trong vòng 3 năm sau khi nhiễm bệnh.
Đây là một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Atherosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology ngày 9/10.
Nghiên cứu dựa trên hồ sơ y tế của khoảng 250.000 người. Trong đó, xác định được hơn 11.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào năm 2020 với gần 3.000 người trong số này phải nhập viện. Các nhà nghiên cứu đã so sánh những nhóm này với hơn 222.000 người khác không bị mắc COVID-19 trong cùng thời gian.
|
|
Người mắc COVID-19 có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch lớn như đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong gần 3 năm sau khi mắc bệnh cao gấp đôi thậm chí là gấp 3 so với những người không nhiễm bệnh. |
Kết quả cho thấy những người mắc COVID-19 vào năm 2020 (trước khi có vắc-xin), có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch lớn như đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong gần 3 năm sau khi mắc bệnh cao gấp đôi thậm chí là gấp 3 so với những người không nhiễm bệnh.
Hơn nữa, đối với những người phải nhập viện, COVID-19 còn là yếu tố lớn gây ra các cơn đau tim và đột quỵ trong tương lai giống như bệnh tiểu đường hoặc bệnh động mạch ngoại biên.
Nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim cao do nhiễm COVID-19 dường như không giảm theo thời gian.
Tiến sĩ Patricia Best, bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota cho biết phát hiện này thật đáng kinh ngạc và dường như chỉ có ở COVID-19. “Chúng ta đã biết từ lâu rằng nhiễm trùng làm tăng nguy cơ đau tim, vì vậy nếu bạn bị cúm hay bất kỳ loại nhiễm trùng nào thì nguy cơ đau tim của bạn cũng sẽ tăng lên. Nhưng nhìn chung, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau đó nhưng với COVID-19 thì không. Đây thực sự là một tác động rất lớn mà COVID-19 khác biệt so với một số bệnh truyền nhiễm khác”.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ không biết chính xác tại sao COVID-19 lại có tác động lâu dài đến hệ tim mạch như vậy.
Theo tiến sĩ Hooman Allayee, giáo sư khoa hóa sinh và di truyền phân tử tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California: "Có thể COVID-19 đã tác động đến thành động mạch và hệ thống mạch máu khiến chúng bị tổn thương liên tục và vẫn tiếp tục phát triển theo thời gian".
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo: “Bệnh tim và các biến cố tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong số một trên toàn thế giới. Vì thế tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ ngăn ngừa các bệnh nhiễm trở nên nghiêm trọng. Nhưng nếu ai nhập viện vì COVID-19 thì bất kể đã tiêm vắc-xin hay chưa - đều nên chú ý đến nguy cơ mắc bệnh tim của mình".
Theo phụ nữ TPHCM