Chị Kristy Watson (người Anh) đau đớn khi thai chết lưu khi 32 tuần tuổi

Theo báo cáo, 84% các trường hợp thai chết lưu đều xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp. Năm 2019, cứ 4 trường hợp thai chết lưu thì có 3 trường hợp xảy ra ở khu vực châu Phi cận Sahara hoặc Nam Á. Thai chết lưu được định nghĩa trong báo cáo là trẻ sinh ra không có dấu hiệu của sự sống khi thai được 28 tuần trở lên.

Chị Awa Sonta (người Mali) bị biến chứng sinh nở dẫn đến thai chết lưu

Báo cáo cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm số lượng thai chết lưu trên toàn cầu. Việc cắt giảm 50% dịch vụ y tế do đại dịch có thể gây ra thêm gần 200.000 ca thai chết lưu trong vòng 1 năm tới ở 117 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hầu hết thai chết lưu là do chất lượng chăm sóc kém trong quá trình mang thai và khi sinh. Báo cáo cho biết, thiếu đầu tư vào các dịch vụ trước sinh, trong khi sinh cũng như tăng cường lực lượng điều dưỡng và hộ sinh là những thách thức chính. Hơn 40% thai chết lưu xảy ra trong quá trình chuyển dạ và điều này có thể tránh được nếu phụ nữ sinh con với sự trợ giúp của nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn, chăm sóc y tế tốt. Khoảng một nửa số ca thai chết lưu ở châu Phi cận Sahara và Trung, Nam Á xảy ra trong quá trình chuyển dạ, so với 6% ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand.

Cần chăm sóc thai phụ cẩn thận

Từ năm 2000 đến năm 2019, tốc độ giảm tỷ lệ thai chết lưu hàng năm chỉ là 2,3%, so với mức giảm 2,9% ở tỷ lệ tử vong sơ sinh và 4,3% tỷ lệ tử vong ở trẻ 1–59 tháng tuổi. Tỷ lệ thai chết lưu ở nông thôn cao hơn ở thành thị hay phụ thuộc vào thu nhập kinh tế. Ở Nepal, phụ nữ thuộc các tầng lớp thiểu số có tỷ lệ thai chết lưu cao hơn từ 40% đến 60% so với phụ nữ thuộc các tầng lớp thượng lưu.

Ngay cả người dân tộc thiểu số ở các nước thu nhập cao cũng có thể không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Báo cáo trích dẫn rằng người Inuit ở Canada có tỷ lệ thai chết lưu cao hơn gần 3 lần so với phần còn lại của Canada. Phụ nữ gốc Phi ở Mỹ có nguy cơ thai chết lưu gần gấp đôi so với phụ nữ da trắng.

"Được chào đón một đứa trẻ đến với thế giới là một khoảng thời gian vô cùng vui mừng. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng nghìn bậc cha mẹ phải trải qua nỗi buồn không thể chịu đựng được vì đứa con của họ không thể chào đời. Do đó, việc củng cố và duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, tăng cường đầu tư vào y tá và nữ hộ sinh là rất quan trọng", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Mất một đứa trẻ khi mới sinh hoặc trong khi mang thai là một bi kịch tàn khốc đối với một gia đình. Cứ sau 16 giây, sẽ có một người mẹ ở đâu đó trên thế giới phải chịu đựng bi kịch khôn lường vì mất con khi thai chết lưu. Ngoài thiệt hại về nhân mạng, các chi phí về tâm lý và tài chính đối với phụ nữ, gia đình và xã hội còn nặng nề và lâu dài. Phần lớn các ca thai chết lưu có thể được ngăn chặn bằng cách theo dõi tốt hơn, chăm sóc tiền sản đúng cách và một người đỡ đẻ có tay nghề cao.

Giám đốc điều hành UNICEF toàn cầu Henrietta Fore

Nhu Thụy (Nguồn: UNICEF, Metro)