Căng thẳng trong công việc, cuộc sống dễ khiến nhiều người trẻ tìm đến cái chết - Shutterstock

Treo cổ, uống thuốc độc và dùng súng tự sát là những cách thức tự kết liễu cuộc đời phổ biến nhất, theo Reuters dẫn nguồn từ WHO.

Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người từ 15-29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông.

Nhìn chung, gần 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm, nhiều hơn số người thiệt mạng vì sốt rét hoặc ung thư vú, hoặc do chiến tranh hoặc do giết người, theo WHO.

Báo cáo cũng cho thấy số nam giới tự tìm đến cái chết ở các quốc gia giàu có cao gần gấp 3 lần phụ nữ, trong khi tỉ lệ này ở các nước thu nhập thấp và trung bình khá cân bằng.

WHO kêu gọi chính phủ các nước đẩy mạnh biện pháp ngăn ngừa nạn tự tử như giúp tìm giải quyết các căng thẳng trong cuộc sống cũng như giảm thiểu cách tiếp cận các phương tiện giúp tự tử.

“Tự tử có thể ngăn ngừa được. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia kết hợp các chiến lược phòng chống tự tử đã được chứng minh vào những chương trình giáo dục và y tế quốc gia”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo WHO, hạn chế việc tiếp cận với thuốc trừ sâu là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu số trường hợp tự tử. Thuốc trừ sâu thường được sử dụng và dẫn đến tử vong vì quá độc hại và không có thuốc giải độc, thường được những người ở vùng hẻo lánh sử dụng và việc điều trị thường diễn ra chậm trễ.

WHO cũng dẫn nghiên cứu tại Sri Lanka cho thấy số vụ tự tử đã giảm 70% sau khi nước này ra quy định chặt chẽ về quản lý thuốc trừ sâu.

Theo thanhnien