Một buổi chiều muộn đầu tháng 4, chúng tôi tìm về nhà cụ Nguyễn Thị Cơ (trú tại thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, H.Thanh Miện, Hải Dương) ngôi nhà nhỏ của cụ nằm sâu trong một con ngõ.
Ngôi nhà cấp 4 nơi cụ Cơ ở hết sức giản dị, được xây dựng cách nay đã hơn 40 năm, bờ tường và những khoảng sân đã rêu phong lỗ chỗ.
Thấy tiếng chó sủa ngoài hiên, cụ Cơ cất tiếng hỏi: "Ai đấy? Cái Hạt nhà tôi không có nhà đâu, anh ra ngoài đường gọi giúp tôi với". Tôi trả lời: "Cụ cứ nghỉ, cháu chờ được ạ!".
|
|
Căn nhà nhỏ nơi 2 mẹ con cụ Cơ sinh sống |
Lát sau bà Nguyễn Thị Hạt (72 tuổi), là con gái của cụ Cơ, đạp xe về, đằng sau xe chở một bó cành cây mà bà đem về phơi khô làm củi đun. Rót nước mời khách, bà Hạt bắt đầu câu chuyện kể về gia đình của mình.
Vẫn minh mẫn khi những người cùng thời đã trở thành người thiên cổ
Khi chúng tôi hỏi về tình trạng sức khỏe của cụ Cơ, bà Hạt cho hay, cụ Cơ ít ốm vặt, đôi mắt đã mờ không còn nhìn thấy gì. Tuy nhiên, đôi tai vẫn còn thính, nên qua giọng nói của từng người, cụ phân biệt được người lạ hay người quen đi vào nhà.
Mỗi bữa, cụ Cơ ăn được khoảng 1 bát cơm, ngoài ra, có bữa cụ ăn cháo hoặc ăn bánh đa nấu để đổi vị. Nhưng đặc biệt, thức ăn phải được nấu mềm, dù hàm răng của cụ chưa rụng chiếc nào nhưng những chiếc răng mới lại tiếp tục mọc khiến cho lợi đau yếu.
|
|
Cụ Cơ ít ốm vặt, mái tóc vẫn một màu đen nhánh, chỉ loáng thoáng có sợi bạc |
"Bình thường, đến bữa tôi vẫn xúc cơm cho mẹ ăn, trừ những lúc có công việc bận thì tôi lấy cơm và thức ăn cho mẹ tự xúc. Mẹ tôi vẫn xúc được nhưng chậm và cử chỉ không còn được nhanh nhẹn. Chế độ ăn của mẹ tôi không cầu kỳ đâu, tôi ăn gì thì nấu cho mẹ ăn như thế. Những năm gần đây, mẹ tôi cũng yếu rồi, không tự đi lại được, đi đâu đó thì phải có người dìu dắt, đa số là nằm trên võng thôi", bà Hạt nói.
|
|
Làn da của cụ Cơ vẫn bóng tuy có nhiều nếp nhăn theo thời gian |
Qua quan sát của chúng tôi, làn da của cụ Cơ tuy hằn lên nhiều nếp nhăn của thời gian, nhưng nước da còn rất bóng. Tóc của cụ được cắt ngắn nhưng cả mái đầu chỉ điểm qua một vài sợi bạc, còn lại là màu đen tuyền.
Về tuổi của cụ Cơ, hiện căn cứ để xác định chỉ còn là giấy chứng minh nhân dân được làm vào ngày 4.5.1979 do Phó trưởng ty Công an tỉnh Hải Hưng (sau tách thành 2 tỉnh là Hải Dương và Hưng Yên) Nguyễn Việt Hồng ký. Theo giấy tờ này, cụ Cơ sinh năm 1901 (nguyên quán tại xã Đoàn Đào, H.Phù Tiên, Hải Hưng, trú tại xã Cao Thắng, H.Ninh Thanh, Hải Hưng). Như vậy, căn cứ vào năm sinh trên giấy chứng minh nhân dân, cụ Cơ hiện đã 123 tuổi.
|
|
Giấy chứng minh nhân dân của cụ Cơ được cấp năm 1979 |
Đến năm 2022, cụ Cơ được cơ quan công an đến nhà làm căn cước công dân định danh cá nhân có gắn chip với các dữ liệu như trên, có thay đổi một số tên của địa danh sau khi tách tỉnh.
Hiện, cụ Cơ mỗi tháng được hưởng trợ cấp theo chế độ của người cao tuổi là 380.000 đồng/tháng. Hàng năm, cụ Cơ còn được nhận giấy mừng thọ do Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký, kèm theo 1 phần quà.
|
|
Giấy mừng thọ cụ Cơ 123 tuổi của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký năm 2024 |
"Do mẹ con tôi đã già không còn sức lao động nên cuộc sống tương đối khó khăn. Chị gái tôi lấy chồng ở xã bên nhưng chị cũng gần 80 tuổi rồi, ít có thời gian, điều kiện để về thăm nom mẹ. Điều đáng mừng đối với tôi là mẹ ít ốm vặt, trong khi những người cùng thời với mẹ đều đã là người thiên cổ", bà Hạt thông tin thêm.
Con gái hơn 70 tuổi nuôi mẹ già 123 tuổi
Bà Hạt là con út trong gia đình có 3 chị em gái. Người chị lớn mất từ khi còn nhỏ, còn người chị thứ 2 năm nay cũng đã 76 tuổi.
Khi còn thanh xuân, do chị gái đã đi lấy chồng, bố mẹ lại già yếu, không có người chăm sóc nên bà Hạt ra điều kiện với người có ý định xây dựng gia đình với mình là phải ở rể để còn trông nom bố mẹ.
Cuối cùng, cũng có 1 người đàn ông đến với bà Hạt chịu ở rể, nhưng chỉ hơn 1 năm sau thì 2 người ly hôn vì người đàn ông thay đổi ý định, không muốn ở rể nữa. Vợ chồng bà đã có với nhau 1 người con gái. Sau ly hôn, 1 mình bà nuôi bố mẹ già và con nhỏ.
|
|
Bà Hạt đi lấy cành cây về phơi khô làm củi đun |
"Bố tôi là cụ Nguyễn Hữu Giản, mất năm 1981, khi đó cũng đã ngoài 80 tuổi rồi. Từ ngày đó 3 mẹ con, bà cháu tôi rau cháo nuôi nhau. Nhà neo người, toàn đàn bà nên cũng vất vả, đến khi con gái tôi đi lấy chồng thì càng vất vả hơn. 20 năm nay, chỉ còn mẹ và tôi ở với nhau", bà Hạt chia sẻ.
Từ trước đến nay, bà Hạt cấy 2 sào ruộng cũng đủ ăn cho 2 mẹ con. 2 năm trở lại đây, do sức yếu, bà Hạt bỏ hẳn ruộng và cho người khác cấy, loanh quanh ở nhà làm việc vặt và trông mẹ già. Vì thế, gia đình con gái của bà Hạt thường xuyên qua chăm nom, phụ giúp cả về vật chất và tinh thần.
|
|
Cuộc sống của 2 mẹ con cụ Cơ tương đối khó khăn |
Trước đó, vào tháng 3.2024, nhiều cơ quan báo chí đã có bài viết về cụ Trịnh Thị Khơng (sinh năm 1905, trú tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, Đồng Nai) được coi là người cao tuổi nhất Việt Nam khi tính đến nay đã 119 tuổi theo như năm sinh ghi trên căn cước công dân. Còn người được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là người lớn tuổi nhất thế giới còn sống là cụ bà Maria Branyas Morera, sinh tại Mỹ năm 1907, hiện sống tại Tây Ban Nha.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng, cho biết cụ Nguyễn Thị Cơ hiện được xác định là người cao tuổi nhất trên địa bàn xã, của tỉnh Hải Dương và xa hơn có thể là ở Việt Nam. Căn cứ xác định tuổi của cụ Cơ chỉ còn lại duy nhất giấy chứng minh nhân dân được cấp năm 1979. Khi được hỏi về phương án hỗ trợ của địa phương đối với gia đình cụ Cơ vì hoàn cảnh của gia đình tương đối khó khăn, lãnh đạo UBND xã Cao Thắng nói do địa phương còn nghèo, chưa bố trí được nguồn ngân sách nên tạm thời chưa có chế độ hỗ trợ gì với gia đình cụ Cơ. |
Theo Thanh niên