LỜI TÒA SOẠN

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, năm 2023 là 73,7 tuổi, tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống.

Tuy nhiên, người cao tuổi nước ta lại có chất lượng sống chưa cao. Vì thế, quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả yếu tố tinh thần, tâm lý là rất quan trọng.

VietNamNet đăng tải tuyến bài "Tôi trăm tuổi", giới thiệu về cuộc sống vui, khỏe, có ích và truyền cảm hứng của những người cao niên sinh từ năm 1924 trở về trước.

Bài 1: Cụ bà sống hơn 100 tuổi ở Hà Nội, tứ đại đồng đường hòa thuận cùng 3 nàng dâu

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (104 tuổi) gọi công việc đọc và viết sách là thú tiêu khiển tuổi già. “Mỗi ngày, viết thêm một số trang sách là mình được hưởng được một niềm vui vô hình. Vui như người ta đi đường mà lượm được vàng vậy”, cụ chia sẻ.

95 tuổi học gõ máy vi tính, hơn trăm tuổi đi Metro

Cụ Nguyễn Đình Tư, sinh năm 1920, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Không mang học hàm học vị nào, nhà nghiên cứu này vẫn sở hữu gia tài đồ sộ về tri thức với hơn 60 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, địa chí, như bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)…

Mới đây nhất, tự truyện Đi qua trăm năm cũng đã đến với độc giả. Cụ Tư tâm sự, đáng lý 5-6 năm nữa, tác phẩm này mới ra đời, vì cụ dành thời gian viết các đầu sách nghiên cứu khác. Tuy nhiên, năm 2022, trong một lần đến thăm nhà cụ Tư, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã “đặt hàng”, đề nghị cụ ưu tiên viết tự truyện, lưu lại cho con cháu.

Với sự động viên ấy, suốt 6 tháng làm việc đêm ngày, cụ Tư đã lục tìm ký ức, đọc lại tài liệu, cân nhắc từng chi tiết để hoàn thành tác phẩm. Trong tự truyện của người đã sống qua hai thế kỷ là những kỷ niệm, sự kiện lịch sử, có những câu chuyện mà nhiều người trong cuộc cũng không còn nữa.

Cụ Tư tự nhủ rằng những điều mắt thấy tai nghe ấy đáng để ghi lại cho con cháu lấy làm bài học đối nhân xử thế, để những người trải qua biến thiên của cuộc đời bớt chút tủi thân và thêm nỗi đồng cảm. Tự truyện “Đi qua trăm năm” đã ra đời từ tâm tình như vậy.

“Thông thường tuổi này đã lẫn, có khi nói trước quên sau, nhưng tôi may mắn có trí nhớ tốt nên những chuyện nhỏ từ 5-6 tuổi vẫn còn nhớ được. Tôi dành thời giờ để viết và rất yêu thích việc này. Mỗi ngày viết thêm một số trang sách là mình được hưởng được một niềm vui vô hình, như người khác đi đường lượm được vàng”, cụ chia sẻ.

leftcenterrightdel
 
Thú tiêu khiển của cụ Nguyễn Đình Tư là đọc và viết sách. Ảnh: Quỳnh My. 

Nếu từng được nghe cụ Tư nói chuyện, có lẽ ai cũng sẽ thán phục vì sự minh mẫn và niềm lạc quan ở tuổi bách niên. Rất nhiều người tò mò hỏi cụ về “bí quyết” sống thọ, sống khỏe và sống có ích.

Cụ Tư trả lời rất đơn giản, sức khỏe là yếu tố quyết định cho tất cả mọi hoạt động, bởi vậy phải biết bảo vệ sức khỏe tốt. Muốn vậy phải tuân thủ 3 yếu tố căn bản: thể dục, ăn uống, tinh thần.

Hàng chục năm qua, lịch trình sinh hoạt của cụ hầu như không biến động. Trong căn nhà ở quận Bình Thạnh, cụ Tư sống cùng gia đình con trai nhưng mọi sinh hoạt đều không phiền đến con cháu. Cụ dậy từ 6h sáng, dành 45 phút tập thể dục bằng các động tác tự nhiên. Buổi chiều, cụ lên xuống cầu thang khoảng 30 phút thay cho đi bộ, để các khớp xương trong cơ thể không bị khô cứng. 

“Tôi ăn uống đúng bữa, không ăn vặt, không ăn gắng, nhai kỹ. Tôi không nghiện bia rượu, thuốc lá, cà phê. Mỗi ngày uống 2 lít nước. Về tinh thần, tôi không cố chấp và sống lạc quan”, cụ tiết lộ "bí quyết". Khuôn mặt cụ Tư đầy những dấu vết thời gian và thường trực nụ cười hồn hậu.

Cụ tâm sự, niềm vui mỗi ngày còn đến từ những tin tức về sự đổi thay của thành phố, của đất nước: vui mừng khi thấy nước mình ngày càng tiến bộ, kinh tế phát triển; người nông dân ngày càng giàu có nhờ xuất khẩu được nhiều lúa gạo, trái cây, tôm cá; các cháu nhỏ được đi học, kể cả ở các vùng đồng bào thiểu số.

“Do đó mà tôi ăn ngon ngủ yên, làm việc mỗi ngày 10 giờ vẫn tỉnh táo”, cụ nói. Tuy nhiên, con trai cụ Tư tiết lộ, nếu hôm nào hăng say, cha có thể viết đến 12 giờ mà không thấy mệt mỏi.

Mới đây, cụ Tư lại thêm niềm vui khi được trải nghiệm ở tuổi 104: đi tàu điện ngầm Metro tuyến Suối Tiên - Bến Thành tại TP.HCM. Đó là cảm giác “thấy êm như ngồi trong nhà, nhanh hơn thuở chúng tôi đi tàu điện rùa bò ngày xưa”.

leftcenterrightdel
 Cụ Tư dậy sớm, tập thể dục 45 phút, làm việc 10 giờ/ngày. Ảnh: Quỳnh My.

Người bạn thân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là sách, giấy bút, kính lúp và những năm gần đây là chiếc máy tính. Theo cụ Tư, thời nhỏ đi học, vì nhà nghèo không có nhiều tiền mua vở nên người học trò này chỉ mua được tập giấy trắng 24 tờ, có kẻ đường ngang.

Để tiết kiệm giấy, học trò Nguyễn Đình Tư dùng thước và bút chì kẻ thêm dòng để viết, chữ nhỏ như con kiến. Đến nay, cụ vẫn giữ thói quen viết chữ như thế khiến người ngoài không đọc được. Khi 95 tuổi, thấy kinh tế đã khá nên cụ Tư nhờ cháu mua cho chiếc máy vi tính, rồi chỉ cho mình cách sử dụng.

“Tiện lợi vô cùng, nhất là khi đánh xong một câu dài thấy không vừa ý, tôi liền xóa rồi đánh lại. Hoặc khi tôi nảy ra ý mới cần viết thêm, chỉ việc đánh chen vào mà không cần xóa đoạn vừa xong. Thật là thời đại văn minh kỹ thuật có khác! Thế hệ ngày nay được hưởng sự tiện lợi của khoa học kỹ thuật hơn thế hệ chúng tôi bội phần”, cụ hào hứng kể.

Sách là người thầy 

Tình yêu với lịch sử của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được thắp lên từ hồi tiểu học, khi đọc những cuốn sách viết về danh nhân chống Pháp như vua Hàm Nghi, vua Duy Tân, cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám, cụ Thái Phiên. Đặc biệt, đó là niềm say mê khi đọc cuốn Việt Nam sử lược, với những chiến công oanh liệt của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…

Từ đó, người học trò đất Thanh Chương đã ước mong nếu học lên cao, sẽ đi sâu nghiên cứu lịch sử nước nhà, sẽ viết những cuốn sách về lịch sử và địa lý các triều đại, các vùng miền của Tổ quốc.

Ấp ủ mong ước ấy nên khi học bậc trung học, Nguyễn Đình Tư đã bắt đầu tập viết. Cuốn sách đầu tay viết về Nguyễn Xí, vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, cũng là ông Tổ họ Nguyễn Đình. Rồi sau đó, cụ Tư tiếp tục viết sách và cứ thế say sưa cho đến ngày hôm nay, khi đã đi qua trăm tuổi.

Từ thơ ấu, học vừa là niềm yêu thích của cụ Tư vừa là con đường để thoát cảnh cơ cực của người nông dân. Thuở ấy, người nông dân hoàn toàn phó mặc cho trời đất. Trời cho được mùa thì no, mất mùa thì đói. Vậy nên chỉ có một cách là học hành.

Ý chí này đã giúp người học trò vốn gặp vô vàn trắc trở trong sự học đã sở hữu gia tài kiến thức sâu rộng, mà cụ tự nhận “không ai lấy được của tôi, đi đâu tôi cũng mang theo vì nằm trong trí óc”.  

leftcenterrightdel
 
 
 
 

Cụ bất giác nhớ lại, cuộc đời nghiên cứu và viết sách cũng trầm luân bao phen. Cuộc sống trăm năm có những lúc gặp khó khăn xuống mức tận cùng, nhưng chưa bao giờ cụ Tư đầu hàng hoàn cảnh. Có lẽ nhiều người vẫn nhớ, bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân của tác giả Nguyễn Đình Tư được viết khi ông làm nghề sửa xe đạp mưu sinh.

“Có những khó khăn tận cùng, tôi vẫn bình tĩnh chịu đựng để tìm lối thoát bằng mọi phương pháp lương thiện, không làm gì thương tổn tới nhân cách và gia phong. Trong công tác nghiên cứu - viết sách cũng thế, tôi gặp không ít trở ngại. Có khi sách viết xong không xuất bản được nhưng không vì thế mà chán nản, bỏ cuộc, mình vẫn kiên trì đi theo định hướng đã chọn. Đó là những điều tôi nghĩ đáng để con cháu lấy làm kinh nghiệm trong cuộc sống”, cụ tâm sự.

Với lớp hậu sinh, cụ Tư nhắn nhủ không nên bỏ phí tuổi trẻ bởi tuổi trẻ nhiều năng lượng, làm gì cũng được, đi đâu cũng được, đặc biệt phải đặt cái học lên trên hết để mở mang được trí tuệ, để sáng suốt trước mọi khó khăn trong cuộc đời.

“Phải học suốt đời, chính tôi cũng đang học mỗi ngày. Tôi học bằng cách đọc sách, sách là người thầy phong phú nhất và đầy đủ nhất”, cụ nói.

Tuổi bách niên vẫn một chí hướng thuở thiếu thời

Là người ghi chép lại những dấu ấn của vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng đã lưu lại dấu ấn của chính mình với thành phố này, dù có thể cụ chưa từng có ý định ấy.

Năm 1996, sau thời gian tự đạp xe khắp các phố phường để viết quyển Đường phố nội thành TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được mời tham gia Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM. Khi đó, cụ không giữ một chức vụ hay vị trí chuyên môn nào của địa phương.

Trong thời gian ở hội đồng, theo phân công, cụ đã đề xuất đặt và đổi gần 1.000 tên đường khắp các quận, huyện. Ấn tượng nhất là việc đặt tên hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa nằm dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở trung tâm thành phố, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Toàn hội đồng chấp nhận ngay đề xuất này.

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt tên đường bằng tên hai quần đảo nằm trong tâm thức của người dân với sự thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ. Sau đó, các con đường Hoàng Sa và Trường Sa dần hiện diện ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội… 

leftcenterrightdel
 Nhà nghiên cứu 104 tuổi bên công trình văn hóa - lịch sử được thực hiện trong 20 năm. Ảnh: Quỳnh My.

Những tháng ngày này, nhà nghiên cứu trăm tuổi Nguyễn Đình Tư đang tập trung cao độ để hoàn thành những đầu sách mới như dự định: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên… Không chọn nghỉ ngơi mà vẫn hăng say lao động trí óc, cụ gọi việc viết sách chính là thú tiêu khiển, là niềm vui thích.

Nhận thấy có nhiều đề tài về các lĩnh vực rất giá trị mà chưa thấy ai viết, cụ lại trăn trở. Tự nhận rằng sức khỏe còn tốt, trí óc còn minh mẫn, thời giờ lại rảnh, nên cụ Nguyễn Đình Tư tiếp tục nghiên cứu và viết. Đó cũng là làm trọn lời hứa với chính mình.

“Từ khi có chí lập thân, tôi đã tự hứa lớn lên sẽ nghiên cứu và viết những cuốn sách về văn hóa, lịch sử, địa chí Việt Nam để lại cho hậu thế. Tôi đã thực hiện điều đó suốt 80 năm qua”, cụ Tư tâm sự.

Theo vietnamnet