Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus influenza gây ra. Cúm mùa lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, trực tiếp qua các giọt bắn, dịch tiết ở mũi khi nói chuyện hoặc hắt xì...
Theo WHO, mỗi năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm. Cúm cũng là thủ phạm khiến hơn 500.000 người tử vong mỗi năm. Còn tại Việt Nam, dựa vào số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 600.000 - 1.000.000 ca mắc cúm mùa. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước đã có 141.179 trường hợp mắc cúm. Điều đáng lo ngại là số ca mắc cúm ngày càng tăng lên do thời tiết thay đổi thất thường và mọi hoạt động học tập, làm việc đều diễn ra trực tiếp tập trung sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.
Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM, hiện nay, đang có 4 chủng virus cúm ở người được ký hiệu là A, B, C, D. Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất và có thể bùng phát thành dịch. Số ca mắc cúm A chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Thông thường, cúm sẽ xuất hiện vào mùa lạnh ở các tỉnh miền Bắc, và quanh năm tại các tỉnh miền Nam.
Theo ghi nhận, mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận từ vài trăm tới vài nghìn bệnh nhân đến khám cúm mỗi ngày. Điển hình, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm gây ra.
90% người mắc bệnh cúm mùa có thể diễn tiến nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số bệnh nhi sẽ là đối tượng nguy cơ trở nặng khi mắc cúm như: trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có bệnh nền: sinh non, nhẹ cân, có bệnh phổi mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch. Do đó nên ưu tiên chủng ngừa sớm cho nhóm đối tượng này. Đã có báo cáo ở các tỉnh phía Bắc, có trường hợp bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương tim phổi và phải điều trị dài ngày, thậm chí tổn thương đa tạng phải tiến hành lọc máu, sử dụng máy thở do mắc cúm.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, virus gây bệnh cúm mùa thường xuyên biến đổi và có thể lây từ người qua người theo đường hô hấp với tốc độ rất nhanh nên người dân không được chủ quan trước dịch bệnh. Để có thể phòng bệnh chúng ta cần thực hiện các biện pháp như:
1. Tránh những nơi đông người và luôn đeo khẩu trang bất cứ khi nào bạn ở nơi công cộng.
2. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc gel khử trùng tay; tránh chạm tay vào mặt, mắt, mũi và miệng.
3. Che mũi và miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc vào khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi.
4.Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc; ăn uống lành mạnh, đủ chất; tăng cường hoạt đông thể chất, tập luyện thể dục thường xuyên.
5.Tiêm phòng vaccine ngừa cúm hàng năm để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
6. Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, cầu thang...để giảm nguy cơ mắc bệnh. Virus gây bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt từ 2-8 giờ và có thể bị tiêu diệt bởi xà phòng, thuốc rửa iod hoặc cồn..
7. Hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách với người đang mắc bệnh cúm mùa, rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường xung quanh người bệnh.…
8. Đi khám nếu bạn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ của cúm như nhức đầu, sốt, sốt cao, đau khớp, nhược cơ, sổ mũi, viêm họng, ho, ói...
Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM chia sẻ, bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng rất nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh mạn tính, người có bệnh nền (tim, gan, đái tháo đường, tăng huyết áp...), người bệnh chuyển hóa, người rối loạn huyết học, người rối loạn thần kinh, suy giảm miễn dịch, người béo phì, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 59 tháng và phụ nữ mang thai....Bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch cơ thể và các biến chứng khác như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Vậy nên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe như nhức đầu, sốt, đau khớp, nhược cơ, sổ mũi, viêm họng, ho, ói. Ở trẻ em, có thể xuất hiện thêm tình trạng tiêu chảy, đau khi vận động... cần tới bác sĩ thăm khám, xét nghiệm để có hướng điều trị thích hợp. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị đặc biệt là thuốc kháng sinh khi không có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo suckhoedoisong.vn