Ngôi làng dành cho những người mắc bệnh Alzheimer
11g sáng, tại một siêu thị nhỏ ở trung tâm Village Landais - một ngôi làng ở Dax, phía tây nam nước Pháp - mọi người đang tấp nập mua sắm trước bữa trưa. Các kệ được chất đầy những thứ cần thiết thông thường và những thứ xa xỉ nho nhỏ, từ những thùng táo cho đến chiếc tủ lạnh chứa phô mai và những hũ kem caramen. “2 ổ bánh mì, 2 bánh mì kẹp thịt, 1 miếng bơ, 2 chai sữa, một ít xúp, phô mai, rau diếp, bánh quy, 1 thanh sô cô la, trứng, bánh mì cuộn...” - Francis Lalane (72 tuổi) - một cư dân trong làng - đang liệt kê danh sách mua sắm của mình.
Ông Francis bày tỏ: “Mua sắm giúp chúng ta tự do. Đó là loại công việc lặt vặt thông thường mà nhiều người xem là hiển nhiên cho đến khi nó trở nên quá khó khăn với chúng ta bởi căn bệnh Alzheimer…”.
Village Landais là sản phẩm trí tuệ của Henri Emmanuelli - một cựu phó phòng ở tỉnh Landes (Pháp), người đã đọc được những thông tin về các ngôi làng tiên phong dành cho người mắc bệnh Alzheimer ở Hà Lan. Emmanuelli đã qua đời vào năm 2017, 3 năm trước khi Village Landais được thành lập. Lớn lên trong nghèo khó, bị khuyết tật thời thơ ấu, ông có niềm đam mê dân chủ hóa việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện cuộc sống con người. Ý thức được dân số đang già đi ở Landes, ông đã cử một nhóm người đến Hà Lan nghiên cứu xem liệu có thể thực hiện điều tương tự ở Pháp.
|
Francis Lalane - (72 tuổi) một cư dân của làng Landais - đang mua sắm những thứ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày - Ảnh: Markel Redondo |
Ý tưởng của ông là thành lập một loại nhà chăm sóc, nơi cư dân (ngay cả những người mắc bệnh Alzheimer nặng) có thể sống độc lập trong sự an toàn. Thay vì dành cả ngày nhốt mình trong phòng hoặc ngồi trước màn hình ti vi, mọi người có thể tự do đi lại trong làng, ghé vào thư viện hoặc cửa hàng, ghé tiệm cắt tóc, ngồi uống cà phê với hàng xóm… Trong khi đó, những nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp, tình nguyện viên và nhân viên y tế luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn, can thiệp khi cần thiết.
Năm 2016, Emmanuelli bắt đầu triển khai, phân bổ một phần ngân sách của mình để xây dựng ngôi làng nhỏ này trên diện tích 17 mẫu Anh (gần 7ha) ở ngoại ô Dax. Chi phí xây dựng hơn 28 triệu euro - phần lớn trong số đó là vốn nhà nước (Chính phủ Pháp xem ngôi làng như một dự án thí điểm). Các nhà nghiên cứu từ bệnh viện địa phương và trường đại học ở Bordeaux cũng tham gia quá trình nghiên cứu nhằm mang lại cách tiếp cận toàn diện hơn đối với việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer.
Mathilde Charon-Burnel - Giám đốc các dự án y tế, xã hội của làng - cho biết: “Ngôi làng được xây dựng như một giải pháp thay thế cho nhà chăm sóc truyền thống, với mọi yếu tố được thiết kế hoàn toàn dành cho những người mắc bệnh Alzheimer”.
Tiến sĩ, bác sĩ Gaëlle Marie-Bailleul giải thích: “Dự án y tế của chúng tôi tập trung vào con người và bảo vệ chất lượng cuộc sống của dân làng. Lòng nhân từ là một phần trong triết lý chăm sóc của chúng tôi. Vấn đề không phải là đưa cư dân trở lại bình thường mà là trấn an và hỗ trợ họ trong cuộc sống”. Hiện tại không có cách chữa trị bệnh Alzheimer. Mọi người đến ngôi làng để tìm cách giúp các cư dân sống chung với nó.
Cảm thấy thoải mái như ở nhà mình
Trong số 600.000 người sống tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Pháp, khoảng một nửa mắc chứng mất trí nhớ. Ở Anh, khoảng 70% cư dân tại các nhà chăm sóc mắc chứng mất trí nhớ. Tổ chức từ thiện Age UK ước tính hiện có khoảng 900.000 người sống chung với căn bệnh này ở Anh. Đến năm 2040, dự đoán con số đó có thể vượt qua 1,5 triệu.
|
Quang cảnh làng Landais ở Dax, Pháp nhìn từ xa - Ảnh: Markel Redondo |
Tháng 6/2020, Village Landais đã mở cửa cho 120 cư dân với các tình trạng bệnh khác nhau.
Gaëlle Marie-Bailleul - điều phối viên y tế của làng, chuyên gia về tâm thần lão khoa - nhận định rằng kết quả cho đến nay là vô cùng hứa hẹn. “Điều tất cả nhân viên chăm sóc ở đây đều muốn là giảm bớt những khó khăn của các cư dân, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và sử dụng ít thuốc nhất có thể” - cô cho biết.
Những người mắc bệnh Alzheimer có thể gặp ảo giác và trở nên đau khổ. Gaëlle Marie-Bailleul thường dành cả ngày để hỏi thăm dân làng, quan sát và giúp đỡ khi ai đó gặp khó khăn.
Người nhà một số cư dân của làng đã báo cáo những cải thiện đáng kể về tâm trạng và kỹ năng giao tiếp của người thân chỉ sau vài tuần. Marie-Bailleul nói: “Chúng tôi đã có thể giảm số lượng thuốc điều trị chứng lo âu và trầm cảm đối với nhiều người bởi sức khỏe của họ đã được cải thiện”.
Tổng chi phí sinh hoạt hằng ngày ở Village Landais là 65,42 euro, khoảng 2.000 euro/tháng (tương đương 1.750 bảng Anh/tháng). Tuy nhiên, nếu không đủ khả năng tài chính, bạn chỉ cần trả khoảng 250 euro/tháng. Age UK cho biết chi phí trung bình cho một viện dưỡng lão ở Anh khoảng 800-1.087 bảng/tuần. Chi phí này thay đổi tùy thuộc từng địa phương ở Vương
quốc Anh.
|
Các hoạt động bao gồm các lớp tập thể dục và khiêu vũ được điều chỉnh theo nhu cầu của cư dân - Ảnh: Markel Redondo |
Village Landais có hơn 120 nhân viên và tình nguyện viên để phù hợp với 120 cư dân. Charon-Burnel nói: “Càng có nhiều nhân viên, chúng ta càng có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân của các cư dân. Vì vậy, đây là lúc cần đến các tình nguyện viên. Họ có thể chỉ cần đọc báo hoặc chơi ghi ta với ai đó”.
Môi trường ở Village Landais không giống như hầu hết các cơ sở y tế, nghĩa là các bác sĩ không mặc áo blouse trắng, không ai có đồng phục hoặc thẻ đeo chức danh. “Ý tưởng là “loại bỏ bất cứ thứ gì trông giống bệnh viện”. Nếu cần dụng cụ y tế, chúng tôi sẽ mang theo. Ở đây, mỗi ngôi nhà đều có 2 nhân viên chăm sóc cả ngày nên mọi người không cô độc mà được tự do đi lại tùy thích” - Charon-Burnel nói. Theo cô, điều này giúp “cân bằng mối quan hệ giữa mọi người trong làng”. Khi đi quanh làng, chúng ta sẽ không biết ai là bác sĩ, nhà tâm lý học, đầu bếp, tình nguyện viên hay cư dân…
Tại thư viện của Village Landais có 1 toa xe lửa đặc biệt, bên trong gắn 1 màn hình chiếu những cảnh quay ở vùng nông thôn. Theo các nhà tâm lý học, đây là một công cụ trị liệu về mặt tinh thần, giúp mọi người cảm thấy bớt lo lắng.
|
Một hoạt động làm vườn dành cho những cư dân có nhu cầu - Ảnh: Essentiel Sante' |
Nathalie Viard - (38 tuổi) 1 trong 2 nhân viên chăm sóc ở ngôi nhà của ông Francis - chia sẻ: “Cư dân ở đây sống theo nhịp điệu của riêng họ. Họ có thể thức dậy, đi dạo lúc nào họ muốn, như thể họ đang ở trong chính ngôi nhà của mình”.
Jean-Philippe Cougrand - (63 tuổi) đã sống ở làng được 10 tháng. Maria (64 tuổi) - vợ ông, ở Bordeaux - cho biết: “Ông ấy được chẩn đoán mắc Alzheimer khi 57 tuổi. Tôi đã để chồng mình tự lựa chọn. Jean-Philippe còn trẻ, có thể sống nhiều năm cùng các hoạt động thích nghi với bệnh tật của mình. Vì vậy, một ngày, tôi đã đề xuất nơi này với ông ấy”. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông Jean-Philippe quyết định đến sống tại ngôi làng.
2 tuần 1 lần, Maria lái xe đến gặp chồng, ở lại 2 đến 4 đêm. 2 cô con gái của họ lúc đầu rất buồn vì cha mình ở quá xa. Tuy vậy, Maria nói: “Điều quan trọng là chồng tôi cảm thấy thoải mái. Đó là cuộc sống hằng ngày của ông ấy”. Mọi người ở đây đều tốt bụng và cảm thông cho nhau. Bà rất biết ơn từ các tình nguyện viên đến nhân viên chăm sóc “đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho ông ấy”.
Theo phụ nữ TPHCM