leftcenterrightdel
 Sản phụ được cấp cứu thành công sau nhiều cuộc phẫu thuật. Ảnh: Nguyễn Ly

Một sản phụ 36 tuổi, quốc tịch Campuchia trước khi nhập viện tại Việt Nam đã được điều trị tại bệnh viện Campuchia, tiền sử sinh con lần 3.

Chồng sản phụ cho biết, sau khi vợ sinh, bác sĩ tại Campuchia cho biết vợ anh bị sốt và bị chảy máu không ngừng.

Nghi ngờ sản phụ bị băng huyết, ngày 18.10.2023, các bác sĩ tiến hành mổ để xử lý. Do không cầm được máu, các bác sĩ đã phải cắt bỏ tử cung của sản phụ. Tuy vậy, máu vẫn tiếp tục chảy. Ngày hôm sau, các bác sĩ mổ lại lần nữa, song nỗ lực cầm máu lần 2 bất thành.

“Trong cơn tuyệt vọng, các bác sĩ tại Campuchia đã kết nối với bệnh viện tại Việt Nam và nhanh chóng chuyển vợ tôi đi trong tình trạng máu vẫn chảy không ngừng", anh Sothya - chồng sản phụ nhớ lại.

Đêm 21.10.2023, bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện FV TPHCM, qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ chụp phim cho thấy rõ hai miếng gạc lớn trong ổ bụng sản phụ. Ngay lập tức sản phụ được chỉ định mổ khẩn để lấy hai miếng gạc ra, bởi nếu để lâu nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng rất cao.

Bác sĩ Lê Đức Tuấn – Bệnh viện FV cho biết, khi rút gạc ra, khoang bụng sản phụ có tới 2 lít máu. Theo bệnh án, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 32 đơn vị máu khi ở Campuchia, bệnh nhân có nhiều vết thương chằng chịt khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trước đó, đồng thời phát hiện tổn thương động mạch thượng vị dưới bên trái của sản phụ chưa được xử lý tốt, nên cần được xử lý lại.

Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa được tổ chức khẩn trương, các bác sĩ quyết định chuyển sang phương án can thiệp mạch, nhằm làm tắc các nhánh tổn thương của động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân để ngăn chảy máu.

Các bác sĩ tìm cách can thiệp mạch thông qua đường từ hõm nách để đi xuống khu vực bụng của bệnh nhân. Cách tiếp cận này được ekip phẫu thuật đánh giá cao, nhờ đó ca can thiệp thắt nút mạch tiến hành suôn sẻ.

Tuy vậy 12 giờ sau, máu tiếp tục chảy. Lượng máu truyền ngày một nhiều, truyền vào cơ thể sản phụ bao nhiêu thì dường như bị chảy ra bấy nhiêu.

Suốt hơn 30 giờ điều trị nội khoa nhưng bệnh nhân vẫn chảy máu không ngừng. Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Khoa Gây mê hồi sức nghi ngờ đến khả năng bệnh nhân bị Hemophilia – một căn bệnh rối loạn đông máu gây chảy máu khó cầm. Điều lạ là nếu bệnh nhân nữ mắc bệnh này chỉ cần tới kỳ kinh đầu tiên là có thể đã bị chảy máu không ngừng và dẫn đến tử vong, trong khi bệnh nhân này đã sinh con ba lần.

Các chuyên gia huyết học tiếp tục hội chẩn, cho rằng cần sử dụng tính chất bắc cầu thông qua một yếu tố khác là “yếu tố VII”. Tuy nhiên khó khăn là “yếu tố VII” rất đắt và hiếm, chỉ có một số ít bệnh viện có thuốc dự phòng.

Lập tức, ekip điều trị cho bệnh nhân đã phối hợp cùng với đội ngũ khoa Dược Bệnh viện FV liên hệ với tất cả bệnh viện trong thành phố, nhanh chóng tìm được 4 đơn vị “yếu tố VII” để truyền vào cơ thể cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tại phòng ICU cho biết, sau khi được tiêm 4 lọ “yếu tố VII” nhỏ xíu, tất cả các hiện tượng chảy máu của bệnh nhân lập tức ngưng lại.

Trải qua cơn thập tử nhất sinh, bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện thành công.

Theo laodong