Cách đây 4 năm, cha tôi đã bị đột quỵ, được phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nhờ đó, cha không gặp biến chứng nặng, vẫn có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, cha tôi cho rằng mỗi người chỉ bị đột quỵ 1 lần nên chỉ uống thuốc tầm soát chứ không chịu đi khám sức khỏe định kỳ và kiêng cữ. Điều cha tôi nói có đúng không, tôi phải làm sao để ông chịu đi khám bệnh?

Trần Hiếu Kiên (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) trả lời: Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, do quá trình cung cấp máu đến não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể.

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng và để lại những di chứng nặng nề - Ảnh: Freepik.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng và để lại những di chứng nặng nề - Ảnh: Freepik
 

Khi xảy ra đột quỵ, não bị thiếu ô xy để nuôi các tế bào não, làm cho một phần não bị “chết”, tùy vị trí sẽ dẫn đến các triệu chứng như yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất ngôn ngữ… 

Bệnh nhân đã bị đột quỵ và được cấp cứu thành công không nên chủ quan nghĩ mình đã được điều trị dứt điểm. Lúc này, phòng ngừa tái phát đột quỵ phải được xem là mục tiêu hàng đầu. Bởi những cơn đột quỵ xuất hiện sau này thường để lại hậu quả nặng nề hơn so với lần đầu. Ngoài đi khám sức khỏe định kỳ, người bệnh cũng nên kiểm tra thêm các bệnh trong 3 nhóm nguyên nhân gây đột quỵ gồm xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh lý mạch máu. 

Người bệnh cần tăng cường vận động, không ăn nhiều mỡ, chất béo, chất ngọt, hoặc ăn quá mặn. Trường hợp thừa cân, béo phì cần có chế độ giảm cân hợp lý, nên bổ sung nhiều rau củ, trái cây. Bên cạnh đó, người bệnh cần được kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, cholesterol máu; bỏ thuốc lá, ngưng rượu, bia… 

Anh nên đưa cha mình đến cơ sở y tế có chuyên khoa để nhờ bác sĩ tư vấn kỹ cho ông cụ hiểu rõ về đột quỵ. Chỉ khi hiểu được bệnh của mình, bệnh nhân mới có sự hợp tác tốt về kiểm soát, điều trị bệnh.

Theo phụ nữ TPHCM