Da bị cháy nắng (tổn thương da do ánh nắng) có thể biểu hiện dưới dạng:
- Đỏ ửng da.
- Đau, sưng nề và ngứa.
- Xuất hiện các bọng nước nhỏ trên bề mặt da.
- Sắc tố (màu da) không đồng đều
- Tàn nhang
- Nếp nhăn
- Nám da (tình trạng gây ra các mảng tối trên da)…
1. Mặt trời làm hỏng làn da như thế nào?
Mặt trời phát ra tia cực tím (UV). Bức xạ tia cực tím là cần thiết vì nó cung cấp cho cơ thể vitamin D, cần thiết cho sự phát triển của xương. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra những nguy cơ cho sức khỏe nếu bạn không bảo vệ làn da của mình.
Bức xạ tia cực tím có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như:
- Cháy nắng
- Lão hóa sớm
- Ung thư da…
2. Các yếu tố nguy cơ đối với da cháy nắng
Bất kỳ ai cũng có thể bị tổn thương da do ánh nắng mặt trời, nhưng một số người có nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe này cao hơn như:
- Người có da, tóc và mắt sáng màu
- Những người dùng thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai và các sản phẩm có benzoyl peroxide...
- Bất cứ ai có thành viên gia đình có tiền sử ung thư da
- Người trên 50 tuổi
- Người bị cháy nắng
- Những người dành nhiều thời gian ở ngoài trời…
3. Cách bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là không thể tránh khỏi, do đó, bạn cần áp dụng các biện pháp có thể tự bảo vệ mình khỏi các tia UV có hại.
3.1 Bôi kem chống nắng giảm da cháy nắng
Kem chống nắng cung cấp khả năng chống nắng thiết yếu. Bạn nên đảm bảo rằng chỉ số chống nắng (SPF) là 15 hoặc cao hơn.
3.2 Che da và mắt
Bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời bằng cách che phủ làn da của mình. Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che càng nhiều da càng tốt. Cố gắng mặc quần áo sáng màu hơn để bảo vệ tốt hơn.
Nếu thời tiết nóng và việc mặc áo dài tay không phải là lựa chọn tốt nhất để chống nóng, hãy sử dụng ô, hoặc bất kỳ bóng râm nào bạn có thể tìm được để che nắng.
Đội mũ để che đầu, cổ và mặt. Bạn nên lựa chọn mũ rộng vành và được làm từ vải canvas hoặc một loại vải dệt dày khác.
Đôi mắt cũng có thể bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Đeo kính râm sẽ bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt khỏi tia UV.
4. Điều trị da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời
4.1 Retinoid
Retinoid thường được sử dụng để cải thiện vẻ ngoài của da.
Retinoid có thể cải thiện việc sản xuất tế bào da và cải thiện nếp nhăn và màu da tổng thể.
Lưu ý, retinoid nên được sử dụng vào ban đêm hoặc vào ban ngày khi bạn đang sử dụng kem chống nắng. Retinoid có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì vậy việc bảo vệ da khi dùng chất này là cần thiết.
4.2 Huyết thanh vitamin C
Các đặc tính chống oxy hóa của vitamin C có thể giúp ngăn ngừa tổn thương cho da. Một nghiên cứu cho thấy vitamin C bôi tại chỗ có thể làm giảm các dấu hiệu lão hóa và cải thiện sắc tố da.
Nếu tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da của bạn đã gây ra một số thay đổi về sắc tố hoặc dấu hiệu lão hóa, bạn có thể bổ sung huyết thanh vitamin C vào thói quen hàng ngày của mình.
4.3 Lột da hóa học
Lột da hóa học là một lựa chọn điều trị khác cho làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và thường được thực hiện trên mặt, cổ và tay.
Lột da bằng hóa chất là sử dụng dung dịch hóa chất để loại bỏ lớp da bên ngoài bị hư hỏng, thay thế bằng lớp da mới.
Đây là một qui trình mang tính cá nhân hóa và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, cần tham khảo ý kiến và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mĩ.
4.4 Lazer
Trị liệu bằng laser/ánh sáng, cũng được áp dụng cho vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, giúp:
- Cải thiện kết cấu da
- Giảm nếp nhăn
- Loại bỏ vết đen
- Cải thiện làn da lỏng lẻo...
Các tia UV từ mặt trời có thể làm hỏng làn da và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư da. Điều quan trọng là ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách che phủ da và sử dụng kem chống nắng phù hợp... để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da.
Theo suckhoedoisong.vn