Các yếu tố khiến phát ban xuất hiện trên da là do tập thể dục hay thời tiết nóng bức. Nhóm dễ mắc tình trạng này là những người thừa cân, béo phì và trẻ em, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Các triệu chứng đặc trưng của phát ban nhiệt là da nổi những vết sẩn, có nhiều đốm nhỏ, đỏ, ngứa, sưng nhẹ. Những nơi thường bị phát ban nhiệt là mặt, cổ, ngực, dưới bìu hay những vị trí nếp gấp da, thường xuyên cọ sát với quần áo như lưng, ngực, bụng. Chườm lạnh và vỗ nhẹ vào vết phát ban có thể làm giảm cảm giác ngứa, cần tuyệt đối tránh dùng móng tay gãi.
Các vết phát ban do nhiệt thường tự biến mất trong khoảng 24 giờ. Người mắc hãy đến những nơi mát mẻ, ít ẩm. Nếu có thể, hãy cởi bỏ bớt quần áo hay các vật dụng để giảm tiết mồ hôi.
Người mắc cần đến khám bác sĩ da liễu nếu vết phát ban nhiệt nhiều ngày không hết hoặc ngày càng nghiêm trọng. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến mồ hôi bị tắc thì có thể gây viêm và nhiễm trùng, chẳng hạn hình thành mụn nước, mụn mủ.
Để giảm nguy cơ mắc phát ban nhiệt, mọi người cần chọn quần áo cotton thoáng mát, rộng rãi. Khi tập luyện thể thao thì cần chọn nơi thông thoáng hoặc thời điểm mát mẻ trong ngày. Nếu trời quá nóng thì hãy dùng quạt, máy điều hòa hay tắm để giảm thân nhiệt.
Ngoài ra, không nên mặc các loại quần áo dễ gây kích thích da, chẳng hạn như quần áo làm từ chất liệu vải thô cứng, vì sẽ khiến các triệu chứng thêm nặng. Khi ngủ cần mặc những bộ đồ ngủ mỏng và thoáng. Bổ sung nước thường xuyên để tránh cơ thể bị mất nước.
Nếu vết phát ban ngứa quá mức thì có thể điều trị bằng các loại kem hay thuốc bôi làm từ calamine và tinh dầu bạc hà. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là chất calamine có thể làm khô da. Một lựa chọn giảm ngứa và viêm khác là kem thoa steroid. Loại kem này chỉ dùng cho người trên 10 tuổi, theo Medical News Today.
Theo Thanh niên