Tiến sĩ Kaseya - Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) - thường xuyên liên lạc với em trai - một sĩ quan tại Congo - cho đến một ngày năm 2018, mọi liên lạc bỗng dưng bị cắt đứt. “Đột nhiên, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào” - ông nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Một bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Santé Mentale ở Congo, nơi nhiều năm chiến tranh đã gây tổn hại nặng nề đến sức khỏe tâm thần của người dân - Nguồn ảnh: Kuni Takahashi/Getty Images

2 năm sau, một người quen đến gặp gia đình ông và cho biết người em trai của ông là Dieudonné vẫn còn sống nhưng đang ở trong tù ở phía bắc đất nước. Kaseya cho biết: “Tôi đã đến thăm. Em ấy phải ở trong bệnh viện chứ không phải bị bỏ tù. Cuối cùng, tôi đã đưa được em mình đến bệnh viện nhưng đã muộn. Các vấn đề sức khỏe tâm thần không được điều trị đã trở nên trầm trọng, Dieudonné cũng mắc các vấn đề về thể chất như bệnh tiểu đường và bệnh thận. Sau 2 tháng, em ấy đã qua đời”.

Dieudonné 45 tuổi và có 3 người con. Cái chết của anh đã tác động sâu sắc đến Kaseya, khiến ông quyết tâm thúc đẩy chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân châu Phi. “Tôi không muốn người khác phải trải qua những trải nghiệm tương tự em mình” - ông nói.

Africa CDC đang thúc đẩy việc tích hợp chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình sức khỏe cộng đồng trên khắp lục địa. Vào tháng Năm, Africa CDC đã khởi động “Chương trình lãnh đạo sức khỏe tâm thần” nhằm đào tạo các chuyên gia y tế ở nhiều cấp độ khác nhau về cách ưu tiên sức khỏe tâm thần. Thuốc tâm thần được đưa vào danh sách thuốc cơ bản cho các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có ít nhất 116 triệu người ở các quốc gia châu Phi mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nhưng có rất ít dịch vụ và chỉ có khoảng hơn 1 nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mỗi 100.000 người. "Nhiều người có sức khỏe tâm thần kém bị sa thải, bị bỏ lại phía sau. Tôi nghĩ tình trạng đó đang xảy ra ở nhiều quốc gia và đây là những gì đã xảy ra với em trai tôi” - Kaseya nói.

Dieudonné đã nhập ngũ sau khi tốt nghiệp và dần được thăng cấp. Anh vẫn thường xuyên liên lạc với Kaseya. Khi Kaseya tìm thấy Dieudonné, anh đã có biểu hiện của chứng trầm cảm, lo âu và đôi khi lại bỏ chạy trong lúc nói chuyện. “Tôi nghĩ điều đó chủ yếu là do hậu quả của những gì em ấy đã trải qua trong chiến tranh" - Kaseya nói.

Ông cũng cho biết, có một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia châu Phi là việc bỏ tù người dân một cách không hợp pháp. Có nhiều người bị bệnh tâm thần nhưng thay vì được đưa vào bệnh viện chữa trị thì họ bị nhốt vào tù. Những thái độ đó cùng quan niệm kỳ thị phụ nữ - cho rằng con gái kém giá trị hơn con trai - đều là các vấn đề phải được giải quyết để cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần đang lan rộng như một “đại dịch” âm thầm ở châu Phi.

Theo phụ nữ TPHCM