Sự cần thiết để chấm dứt kỳ thị
Nhóm nghiên cứu của Phòng khám Cleveland danh tiếng tại Ohio (Mỹ) tuyên bố đã thực hiện ca ghép tử cung đầu tiên ở Bắc Mỹ từ một người hiến tặng đã qua đời. Người phụ nữ được cấy ghép bắt đầu có kinh nguyệt 37 ngày sau phẫu thuật và 7 tháng sau cô mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Em bé phát triển khỏe mạnh và đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ.
Giống như các hoạt động hiến tặng nội tạng khác, phụ nữ chuyển giới muốn có tử cung sẽ cần tìm một người cho có cùng nhóm máu và mô. Ngoài người chết, nguồn tử cung hiến tặng còn có thể từ những phụ nữ muốn trở thành đàn ông, quyết định cắt bỏ cơ quan sinh sản của mình.
Từ năm 2014, đã có khoảng 100 ca cấy ghép tử cung cho phụ nữ trên toàn cầu. Quy trình này được thực hiện thành công lần đầu nhờ các chuyên gia Thụy Điển. Hàng chục người sau cấy ghép đã mang thai nhờ kết hợp với phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Như vậy, việc cấy ghép tử cung cho người chuyển giới sang nữ sẽ giúp giải quyết nỗi khổ tinh thần bấy lâu nay họ phải chịu đựng do không được chấp nhận 100% theo bản dạng giới của mình.
“Vấn đề là thời điểm nào tiến hành phẫu thuật? Tôi dự đoán ca ghép tử cung đầu tiên cho một phụ nữ chuyển giới sẽ diễn ra trong vài năm tới, nếu không muốn nói là có thể sớm hơn” - bà Flyck cho biết.
Phản ứng từ quan điểm nữ quyền
Dù là bước đột phá lớn của khoa học, một số nhà đạo đức đã mô tả ý tưởng là lạc hậu và phê bình triển vọng này là ích kỷ, “xúc phạm” thiên chức làm mẹ của chị em. “Chúng ta phải biết rằng việc mang thai, sinh nở là một hành trình vô cùng phức tạp về mặt sinh học và cảm xúc đối với phụ nữ. Cho nên một cách nào đó, ý tưởng đàn ông có thể sinh con chỉ vì họ có tử cung là khá coi thường phụ nữ. Triển vọng này biến chúng tôi đơn thuần trở thành những cái lồng ấp” - tác giả nữ quyền Milli Hill nói.
Theo bà Hill, ai đó cho rằng cấy ghép tử cung sẽ giúp giảm bớt sự phiền muộn của phụ nữ chuyển giới là sai lầm. “Một người phụ nữ không thể bị liệt vào danh sách kiểm tra sinh học đơn giản. Bảo rằng có tử cung sẽ giúp người ta giống phụ nữ nhiều hơn lại là điều xúc phạm những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Chả nhẽ họ ít phụ nữ hơn sao?” - bà đặt vấn đề.
Đây không phải lần đầu các tranh luận về cấy ghép tử cung cho phụ nữ chuyển giới xảy ra. Tháng 5/2022, bác sĩ Ấn Độ Narendra Kaushik cho biết đang lên kế hoạch cấy ghép tử cung cho một phụ nữ chuyển giới với mục tiêu cuối cùng là giúp mang thai. Ca ghép tử cung có lẽ xa xưa nhất đã được thực hiện từ năm 1931. Nghệ sĩ Lili Elbe (Đan Mạch) sinh ra là nam, đã quyết phẫu thuật tại Đức với hy vọng có thể sinh con với vị hôn phu của mình. Tuy nhiên, cô đã chết vì nhiễm trùng chỉ 3 tháng sau ca mổ.
So với thập niên 1930, đã có rất nhiều cải tiến y khoa từ kỹ thuật mổ cho đến các phương pháp sinh sản bằng ống nghiệm. Hiện nay, một quy trình như nhóm của tiến sĩ Flyck đưa ra được cho là hoàn toàn khả thi giúp phụ nữ chuyển giới có thể mang thai và sinh con. Về mặt lý thuyết, trứng được thụ tinh bên ngoài và sau đó được đưa vào cơ thể. Họ cần được chuẩn bị một tử cung khỏe mạnh để đứa trẻ lớn lên.
Việc chưa thể mang thai và sinh con khiến phụ nữ chuyển giới chạnh lòng khi so sánh với “thế giới” của những người sinh ra là nữ sau đó chuyển giới thành nam. Việc mang thai đối với những “đàn ông” này tương đối dễ dàng và ngày càng phổ biến. Chỉ cần khi phẫu thuật xác nhận lại giới tính, họ vẫn giữ lại cơ quan sinh sản của phụ nữ. Có đến 75 người trong trường hợp này đã sinh con ở Úc trong năm 2020.
Theo phụ nữ TPHCM