Hiểu biết về đáp ứng miễn dịch với COVID-19 là cách để tiếp tục ứng phó thích hợp, chung sống an toàn trong đại dịch. Các biến chủng phụ Omicron né tránh miễn dịch như thế nào...
Đáp ứng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19
Sau khi nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, gọi là quá trình đáp ứng miễn dịch tự nhiên. Kết quả của quá trình này là sự hình thành các thế bào miễn dịch, các kháng thể và protein miễn dịch và cơ thể duy trì một trí nhớ miễn dịch. Nếu có virus tái xâm nhập, các tế bào miễn dịch, các protein miễn dịch lưu hành trong cơ thể sẽ nhân dạng và tiêu diệt virus, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh và làm giảm tình trạng bệnh nặng nếu có bị nhiễm bệnh.
Các thành tố của hệ thống bảo vệ miễn nhiễm bao gồm:
- Các kháng thể và các protein miễn dịch lưu hành trong máu có thể nhận dạng được yếu tố lạ như virus và vô hiệu chúng.
- Tế bào T hỗ trợ giúp cho việc nhận dạng tác nhân gây bệnh
- Tế bào T diệt để tiêu diệt mầm bệnh
- Tế bào B sản sinh kháng thể mới khi cơ thể cần
- (Tế bào T là một dòng tế bào lympho được hình thành ở tuỷ xương và trưởng thành ở tuyến ức; tế bào B là một dòng tế bào lympho hình thành ở tuỷ xương, khi trưởng thành trở thành tương bào có chức năng sản xuất ra kháng thể)
Người bệnh hồi phục sau khi mắc COVID-19 được chứng minh có đủ cả bốn thành phần trên. Tuy nhiên cụ thể về chức năng của từng thành tố và thời gian kéo dài bao lâu của quá trình đáp ứng miễn dịch vẫn còn chưa rõ ràng.
Các nhà chuyên môn cho rằng, vẫn chưa biết chính xác khả năng bảo vệ sau khi lây nhiễm tự nhiên virus SARS-CoV-2 sẽ kéo dài bao lâu và độ bền khả năng bảo bảo vệ chống lại các biến chủng virus khác nhau sẽ như thế nào.
Có một số người quan niệm rằng sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên, bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi COVID-19 giống như đối với bệnh sởi. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn hai loại virus gây ra các bệnh nhiễm trùng này rất rất khác nhau. Khả năng bảo vệ đối với coronavirus sẽ mất dần một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian. Vì COVID-19 do SARS-CoV-2, một loại coronavirrus gây ra, đây là nhóm virus đã được biết đến là căn nguyên gây bệnh cúm thông thường.
Chính vì vậy những hiểu biết về coronavirus giúp cho chúng ta hiểu được khả năng đáp ứng miễn dịch đối với COVID-19.
Con người chúng ta có thể mắc cúm thông thường lặp đi lặp lại. Các nghiên cứu về cúm đã chỉ ra rằng khả năng bảo vệ trước bệnh cúm ở người bình thường sẽ mẩt dần hiệu lực sau khoảng một năm và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm đợt mới.
Virus SARS-CoV-2 cùng có chung đặc điểm như trên, thêm vào đó các biến chủng mới của virus này đã và đang tiếp tục xuất hiện, vì thế thật khó để đo lường được miễn dịch tự nhiên khi mắc COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu.
Đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine phòng COVID-19
Hiện nay, các loại vaccine phòng COVID-19 đều đã được chứng minh có tính sinh miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong các thử nghiệm lâm sàng đã công bố các vaccine có nguồn gốc là mRNA cho hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 lên đến 94-95%.
Khi cơ thể được nhận đủ liều vaccine để đủ khả năng bảo vệ. Đồng nghĩa với việc trong cơ thể đã có đủ môt lượng tế bào lympho T để đảm trách nhận dạng tác nhân (virus SARS-CoV-2) khi tác nhân đó xâm nhập và có trí nhớ miễn dịch để tiếp tục nhận dạng nếu có lần xâm nhập sau; tế bào lym phô B được kích hoạt để sẵn sàng sinh ra kháng thể trung hoà kháng nguyên (virus SARS-CoV-2). Nói cách khác các tế bào miễn dịch sẽ hoạt động giống như quá trình nhiễm tự nhiên.
Tuy nhiên, cơ thể không có ngay lập tức khả năng phòng vệ sau khi tiêm vaccine mà thường phải mất vài tuần để các tế bào lympho T, tế bào lympho B đủ thời gian sản sinh và trưởng thành. Trong thời gian này, nếu không may có virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể thì vẫn có thể gây bệnh COVID-19.
Căn cứ các kết quả thử nghiệm lâm sàng và thực tế sử dụng vaccine phòng COVID-19 thời gian qua, các nhà chuyên môn đều có chung nhận định rằng, hầu hết các cá thể có đáp ứng miễn dịch tốt sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên khoảng 2 tuần. Sau mũi thứ hai, thậm chí đáp ứng miễn dịch còn nhanh hơn và mạnh hơn so với mũi thứ nhất.
Đối với mũi tiêm vaccine nhắc lại (booster dose), các nhà chuyên môn đều có chung quan điểm rằng, đó là thực sự cần thiết. Hiện nay, khuyến cáo của các nhà sản xuất vaccine mRNA cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) đều thống nhất rằng, thời điểm thích hợp để tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nhắc lại sau khi đã hoàn thành mũi tiêm cơ bản cuối cùng là 5 tháng đối với người khoẻ mạnh bình thường, 3 tháng đối với người có suy giảm miễn dịch.
Đối với vaccine mRNA, CDC cũng đã bố sung khuyến cáo, có thể tiêm liều nhắc lại thứ hai (second booster dose) sau liều nhắc lại thứ nhất cho người từ 50 tuổi trở lên, và người từ 12 tuổi trở lên mà có suy giảm miễn dịch trung bình hoặc nặng. Việc tiêm liều vaccine nhắc lại khác với cá liều vaccine cơ bản cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan y tế.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 đã được chứng minh thông qua các đáp ứng miễn dịch cá thể, miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa được bệnh nặng và biến chứng nặng khi mắc COVID-19. Ảnh minh họa
Các biến chứng phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron né tránh miễn dịch
Tháng 6/2022, CDC Hoa Kỳ thông báo biến chủng phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron đã trở thành tác nhân gây COVID-19 nổi trội trên lãnh thổ Mỹ. Ngày sau đó nhiều báo cáo cũng đã thông tin BA.4, BA.5 đang trở thành một trong các tác nhân gây COVID-19 trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cũng không ngoại lệ, BA.4, BA.5 nằm trong số các tác nhân phổ biến gây bệnh COVID-19.
Các nghiên cứu bước đầu sau khi BA.4, B.5 xuất hiện đều có chung nhận xét, dường như người đã mắc các chủng virus SARS-CoV-2 trước Omicron hoặc đã tiêm đủ vaccine tỏ ra ít hiệu quả chống lại BA.4; BA.5.
Một nghiên cứu công bố tháng 7/2022 xem xét hiệu giá kháng thể ở người đã tiêm hoặc mắc COVID-19 đã nhận xét, có vẻ các biến chủng phụ BA.2.12.1; BA.4; BA.5 đã né tránh được các kháng thể hình thành sau khi tiêm vaccine hoặc mắc COVID-19.
Tuy nhiên, gần đây cũng đã có một số dữ liệu (chờ phản biện, chưa công bố) cho rằng người mắc COVID-19 do Omicron sau khi khỏi bệnh có hiệu quả lên đến 80% phòng được tái nhiễm BA.4, BA.5.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Havard (Mỹ) cho biết người đã tiêm đủ vaccine có thể phòng được các biến chứng nặng nếu nhiễm BA.4/BA.5. Tương tự như vậy, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo việc tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là các liều nhắc lại, có vai trò dự phòng tình trạng COVID-19 nặng gây ra bởi biến chủng phụ BA.5 đang lưu hành.
Như vậy có thể thấy, đã có bằng cớ cho thấy các biến chủng phụ của Omicron như BA.4, BA.5 có thể né tránh miễn dịch tạo ra sau khi nhiễm SARS-CoV-2 hay sau tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản.
Việc tiếp tục các biện pháp phòng lây nhiễm không đặc hiệu, kết hợp với tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, đặc biệt là liều nhắc lại giúp cho việc phòng nhiễm, ngăn ngừa bệnh nặng và biến chứng nếu chẳng may mắc COVID-19 do các biến chủng mới đang lưu hành hiện nay.
Theo suckhoedoisong.vn