Theo báo cáo được công bố ngày 8/1, ở Hàn Quốc, cứ 7 phụ nữ ở độ tuổi 20 thì có một người bị thiếu cân, và gần một nửa số phụ nữ trẻ này có cân nặng dưới trung bình.
Những cô gái có cân nặng được phân loại "bình thường" cũng đang nỗ lực giảm cân để đáp ứng tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe tại xứ củ sâm.
Theo Korea Herald, nghiên cứu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc thực hiện cho thấy 15,1% phụ nữ trong độ tuổi 19-29 có chỉ số BMI thấp hơn 18,5 hoặc bị thiếu cân. Kết quả được đưa ra dựa trên khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, thực hiện từ năm 2013 đến năm 2021.
BMI được tính bằng cách chia cân nặng của một người (tính bằng kilogam) cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Chỉ số này cho biết lượng mỡ trong cơ thể và sàng lọc các loại cân nặng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Chỉ số BMI dưới 18,5 nằm trong phạm vi thiếu cân; từ 18,5 đến 24,9 là phạm vi khỏe mạnh. Chỉ số BMI trong khoảng 25-29,9 là thừa cân; từ 30 trở lên được phân loại là béo phì.
Dữ liệu mới công bố nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc, đặc biệt phụ nữ trẻ, có xu hướng bị ám ảnh mình "béo" dù số đo cơ thể thực tế bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêu chuẩn sắc đẹp ở nước này lý tưởng hóa vóc dáng gầy gò.
Tỷ lệ phụ nữ thiếu cân ở Hàn Quốc ở mức 14,8% trong năm 2019-2021, tăng 2,4% so với 12,4% trong năm 2016-2018, cho thấy những năm gần đây, phụ nữ trẻ đang muốn giảm cân nhiều hơn.
Không chỉ vậy, 16,2% phụ nữ thiếu cân còn cố gắng giảm cân nhiều hơn; 53,9% phụ nữ có chỉ số BMI từ 18,5 đến 23 - ở mức khỏe mạnh theo thước đo BMI - đã cố gắng giảm cân trong giai đoạn 2019-2021.
Con số thống kê khiến nhiều người quan ngại về hiện tượng thiếu cân. Phụ nữ trẻ có cân nặng bình thường hoặc thiếu cân cố gắng ăn kiêng để giảm thêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, thiếu máu và loãng xương.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự sự khác biệt thái độ về vấn đề cân nặng giữa các giới tính. Số nam giới cố gắng giảm cân thấp hơn so với phụ nữ (trong cùng độ tuổi).
Theo báo cáo, phụ nữ thiếu cân cũng có nguy cơ cao gặp những tình trạng bất lợi khi mang thai.
Nghiên cứu lần này cho thầy sự quan trọng của việc xem xét lại các lý tưởng sắc đẹp cũng như tiêu chuẩn ngoại hình khắt khe tại Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi giáo dục tốt hơn về việc duy trì hình ảnh cơ thể khỏe mạnh, giúp người dân nhìn nhận tích cực về ngoại hình.
Theo lifestyle.zingnews