leftcenterrightdel
 

Đau dạ dày thường là một tình trạng tạm thời và có thể giảm nhẹ theo thời gian nhưng những cơn đau liên tục, dữ dội hoặc tái đi tái lại ảnh hưởng tới sinh hoạt đều cần phải thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp điều trị.

1. Nguyên nhân và các đối phó với tình trạng đau dạ dày từng cơn

Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân và cách đối phó với tình trạng đau dạ dày từng cơn mà bạn cần biết:

- Đầy hơi

Khí đi vào đường tiêu hóa thông qua hoạt động nhai nuốt. Thông thường ợ hơi sẽ giúp giảm khí trong đường tiêu hóa nhưng khi điều này không xảy ra, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bị đầy hơi và có thể kèm theo đau vùng bụng.

Nếu một người thường xuyên bị đau vùng bụng do đầy hơi thì triệu chứng này có thể cảnh báo một rối loạn tiêu hóa tiềm ẩn và cần được chẩn đoán bởi bác sĩ.

leftcenterrightdel
Đầy hơi có thể gây ra các cơn đau từng cơn vùng bụng (Ảnh: Internet) 

Đối phó: Thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng các thuốc giảm đầy hơi không kê đơn (thuốc OTC) có thể hữu ích.

- Táo bón

Táo bón là tình trạng đại tiện ít hơn ba lần một tuần (trừ trường hợp đó là thói quen thường ngày). Ngoài đau vùng bụng từng cơn khi bị táo bón thì các triệu chứng khác có thể bao gồm: Phân khô và cứng; đau hậu môn và khó đại tiện; cảm giác không thể đi hết phân sau mỗi lần đi.

Táo bón mãn tính kéo dài trên 3 tháng và không có dấu hiệu giảm nhẹ ngay cả khi đã điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường chất xơ, uống nhiều nước,... Lúc này, táo bón có thể là triệu chứng của các bệnh lý liên quan tới đường ruột như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm túi thừa hay các bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng hoặc các rối loạn nội tiết gây suy giáp, lupus,...

Đối phó: Thay đổi chế độ ăn uống bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng enzyme hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột, tập thể dục thường xuyên, theo dõi các loại thuốc có thể gây tác dụng phụ là táo bón để giảm liều lượng hoặc đổi thuốc,... có thể giúp giảm tình trạng táo bón.

- Loét dạ dày

Loét dạ dày chỉ tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều vết loét gây đau ở niêm mạc dạ dày. Người bị loét dạ dày thường trải qua những cơn đau dạ dày âm ỉ từng cơn hoặc có cảm giác bỏng rát mỗi khi đau.

leftcenterrightdel
Loét dạ dày chỉ tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều vết loét gây đau ở niêm mạc dạ dày (Ảnh: Internet) 

Một cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, cứ liên tục lặp đi lặp lại (đến rồi đi) trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Nếu không được điều trị, loét dạ dày có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị dạ dày, ung thư dạ dày,...

Đối phó: Việc điều trị loét dạ dày bao gồm nhiều loại thuốc chẳng hạn như thuốc kháng axit giúp trung hòa axit trong dịch vị dạ dày, thuốc giảm tiết axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton, thuốc tạo màng bọc quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc diệt HP hoặc những thủ thuật điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây loét dạ dày là gì.

- U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một khối u lành tính chứa đầy dịch lỏng hoặc cứng phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. U nang buồng trứng có thể gây đau ở vùng bụng và đau vùng chậu do khối u tăng kích thước và chèn ép lên những cơ quan lân cận.

Tùy từng trường hợp mà cơn đau có thể chỉ lâm râm nhưng cũng có thể đau dữ dội khi khối u lớn dần hoặc đã bị vỡ (triệu chứng kèm theo là nôn mửa). Cảm giác đau có thể rõ ràng hơn trong giai đoạn rụng trứng.

U nang buồng trứng có thể dẫn tới vô sinh vì thế mà chị em không nên chủ quan khi xuất hiện các cơn đau vùng bụng và bụng dưới khi tới kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là kinh nguyệt bị rối loạn, đau khi quan hệ và có cảm giác căng cứng bụng dưới khi ấn vào.

Đối phó: Phần lớn u nang buồng trứng ở nữ giới trong độ tuổi sinh nở là u nang cơ năng. Loại u nang này là lành tính, thường biến mất tự nhiên sau 1-3 tháng. Nếu cần điều trị, các phương pháp có thể bao gồm thuốc giảm đau, biện pháp tránh thai bằng hormone hoặc phẫu thuật.

leftcenterrightdel
U nang buồng trứng là một khối u lành tính chứa đầy dịch lỏng hoặc cứng phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản (Ảnh: Internet) 

- Đau bụng kinh

Đau bụng kinh có thể xuất phát từ bụng dưới và đau lan lên bụng trên từng cơn hoặc đau dữ dội xảy ra trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng khác kèm theo có thể bao gồm: Tiêu chảy, buồn nôn và đau đầu.

Đối phó: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn có thể giúp giảm đau bụng kinh. Nếu cơn đau bụng kinh nghiêm trọng, hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn. Đôi khi chườm ấm lên vùng bụng bị đau cũng hỗ trợ giảm co thắt và thư giãn từ đó giảm đau hiệu quả.

- Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng ở đường tiêu hóa ảnh hưởng tới nhiều độ tuổi khác nhau. Hội chứng ruột kích thích bao gồm một nhóm các triệu chứng xảy ra cùng nhau, bao gồm đau vùng bụng tái đi tái lại nhiều lần và các thay đổi trong nhu động ruột.

Đối phó: Để điều trị hội chứng ruột kích thích, phác đồ chủ yếu tập trung vào việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh hơn (giàu chắt xơ hòa tan, uống đủ nước, thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua,..) kết hợp với việc quản lý căng thẳng, thuốc điều trị các triệu chứng như thuốc chống co thắt đại tràng, thuốc nhuận tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc cầm tiêu chảy.

- Vấn đề về túi mật

Túi mật nằm ở vị trí dưới gan, do đó cơn đau có thể giống như xuất phát từ dạ dày. có một số tình trạng về túi mật như sỏi mật có thể gây ra cơn đau dữ dội và tăng lên sau khi ăn các thức ăn nhiều chất béo. Một cơn đau quặn từ túi mật có thể kéo dài từ vài phút tới 5 giờ, tần suất cơn đau cách nhau hàng tuần hoặc hàng tháng.

Đối phó: Đôi khi chỉ cần theo dõi, nếu cần thiết có thể dùng thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp.

- Norovirus

Norovirus là một nhóm các virus có thể gây nôn mửa và tiêu chảy cùng đau dạ dày theo nhiều mức độ khác nhau. Các triệu chứng này có thẻ giảm dần sau 1 - 3 ngày. Cần đi khám bác sĩ sớm nếu triệu chứng kéo dài hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc tăng nặng lên ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Đối phó: Nghỉ ngơi và uống đủ nước là nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh do norovirus gây ra. Chú ý theo dõi các dấu hiệu mất nước để can thiệp kịp thời.

leftcenterrightdel
Norovirus là một nhóm các virus có thể gây nôn mửa và tiêu chảy cùng đau dạ dày (Ảnh: Internet) 

- Bệnh viêm ruột

Có tới 80% người mắc bệnh viêm ruột đều bị đau vùng bụng do tình trạng ruột bị viêm hoặc tắc nghẽn. Cơn đau vùng bụng có thể xảy ra liên tục trong 3 tháng hoặc đau bụng từng cơn trong 6 tháng. Các triệu chứng khác có thể kể đến như: Tiêu chảy, chảy máu trực tràng, giảm cân.

Đối phó: Bệnh viêm ruột có thể được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc corticosteroid, aminosalicylate,... hoặc có thể cần phải phẫu thuật trong những trường hợp nghiêm trọng.

- Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày có thể gây ra những cơn đau tương tự như đau do viêm loét dạ dày - tá tràng. Cơn đau này có thể tăng lên sau khi ăn nhưng lại tiếp tục kéo dài dai dẳng theo thời gian, lặp đi lặp lại thường xuyên.

Các triệu chứng khác của ung thư dạ dày có thể kể đến như: Giảm cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn và ợ nóng.

Đối phó: Tùy thuộc vào loại ung thư dạ dày và giai đoạn phát hiện mắc ung thư dạ dày mà các phương pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc nhắm mục đích, thuốc kiểm soát triệu chứng,...

leftcenterrightdel
Ung thư dạ dày có thể gây ra những cơn đau tương tự như đau do viêm loét dạ dày - tá tràng (Ảnh: Internet) 

2. Khi nào đau dạ dày từng cơn cần thăm khám bác sĩ?

Hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu tình trạng đau dạ dày từng cơn kéo dài hơn 1 tuần kèm theo các triệu chứng như:

- Buồn nôn, nôn mửa hoặc sốt

- Đại tiện có lẫn máu

- Bị táo bón nghiêm trọng

- Tiêu chảy nghiêm trọng

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Đang mang thai

- Đang điều trị bệnh ung thư.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua các kiểm tra vật lý, thăm hỏi các triệu chứng, mức độ đau gặp phải, tần suất cơn đau, điều gì khiến cơn đau nghiêm trọng hoặc giảm nhẹ hơn. Một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân và chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT hay nội soi đại trực tràng có thể được chỉ định tùy từng trường hợp.

Châu Anh/Nguồn: Healthline