Những dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị thiếu máu não
Trong cơ thể người bệnh hình thành lipid máu (mỡ máu). Ở một số vị trí trọng yếu của mạch máu, những mảng mỡ này sẽ bám vào, lâu dần gây hẹp và tắc mạch máu. Vị trí mạch máu hay bị tắc chính là những chỗ có ngả chia. Bình thường, đường kính mạch máu ở các nơi này nhỏ hơn. Khi mạch máu bị hẹp sẽ khiến máu lưu thông khó khăn, dẫn tới tình trạng thiếu máu não.
Tim mang chức năng co bóp để bơm máu theo nhịp, được điều khiển bởi hệ thần kinh trung ương. Khi máu lên nuôi não không đủ, tim sẽ nhận được tín hiệu và bơm máu mạnh, nhanh hơn. Vì thế, triệu chứng dễ thấy của thiếu máu não là bệnh nhân thỉnh thoảng hơi hồi hộp nhưng lại cảm thấy bình thường ngay sau đó.
|
Đau đầu là một trong những triệu chứng báo hiệu cơ thể đang bị thiếu máu não - Nguồn ảnh: Internet |
Tình trạng hồi hộp chỉ nặng lên và thấy rõ khi tim không còn đáp ứng đủ khiến não bị thiếu máu quá nhiều. Lúc này, bệnh nhân hay bị xây xẩm mặt mày lúc đứng dậy. Đây là phản xạ rất tự nhiên của não nhằm tự bảo vệ. Thông thường, nếu vừa nhổm dậy mà tối sầm mặt mũi, chúng ta sẽ có phản xạ vịn vào đâu đó và hạ người, ngồi xuống trở lại. Phản xạ đó giúp tránh té ngã, gây nguy hiểm cho bản thân. Còn khi bệnh nhân thiếu máu não xuất hiện dấu hiệu tê, yếu tay nhẹ là bệnh đã vào giai đoạn nặng hơn.
Ngất cũng là một dấu hiệu của thiếu máu não. Não tự bất động để bảo vệ mình, nhằm giúp cung cấp máu nuôi não được tốt hơn. Lúc ngất xỉu, người bệnh sẽ té xuống. Tư thế nằm giúp tim bơm máu dễ dàng hơn, từ đó bơm đủ máu nuôi não.
|
Thực phẩm chứa chất béo có lợi rất tốt cho sức khỏe não bộ - Nguồn ảnh: Internet |
Đau đầu thoáng qua cũng là dấu hiệu cảnh báo thiếu máu não. Sở dĩ người bị thiếu máu não hay đau đầu là do cơ chế sau: Khi thiếu máu nuôi, trước khi phát tín hiệu cho tim thì não cũng tự giãn mạch máu ra để máu lưu thông dễ dàng hơn. Điều này gây ra cơn đau đầu, choáng váng.
Khi đau đầu, người bệnh thường tự mua thuốc về uống, như vậy chỉ điều trị được phần ngọn. Nhiều bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện để can thiệp do tắc mạch máu não, họ từng bị đau đầu tái đi tái lại trong khoảng thời gian dài. Điều đó có nghĩa cơ thể đã gửi tín hiệu cảnh báo nhiều lần nhưng chúng ta bỏ qua, không để ý.
Làm sao để phát hiện bị thiếu máu não từ sớm?
Bên cạnh các triệu chứng điển hình của thiếu máu não vừa kể trên, bác sĩ Hải Yên khuyên mọi người nên chú trọng thêm hạng mục này trong gói khám tầm soát sức khỏe tổng quát hằng năm. Hiện nay, trong gói khám tầm soát sức khỏe tổng quát không hề có bất cứ hạng mục kiểm tra mạch máu nào. Để cải thiện điều đó, cần nâng cao nhận thức về tầm soát mạch máu và tình trạng thiếu máu não cho những người phụ trách việc tổ chức tầm soát sức khỏe ở các cơ quan, đơn vị. Nếu có thể cân đối và sắp xếp, nên tham mưu với lãnh đạo, cho thêm hạng mục này vào gói khám. Mặt khác, nếu điều kiện của cơ quan hạn hẹp, bị giới hạn về tài chính, vì lợi ích sức khỏe của bản thân, mỗi người cũng nên tự bổ sung hạng mục tầm soát thiếu máu não cho mình.
Có phải trường hợp nào cũng cần đặt stent?
Có nhiều phương pháp điều trị thiếu máu não, tùy tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cách thức phù hợp. Nhẹ nhàng nhất là điều trị nội khoa, bệnh nhân dùng thuốc làm loãng máu và duy trì lối sống lành mạnh (kiểm soát huyết áp, cân nặng, dinh dưỡng và tập luyện). Ngoài ra, bệnh nhân bị tắc mạch máu nghiêm trọng có thể phải làm phẫu thuật. Trong trường hợp nhẹ hơn, người bệnh được cân nhắc phương pháp can thiệp mạch máu bằng stent, bơm bóng nong mạch…
Theo bác sĩ Hải Yên, tại Bệnh viện Thống Nhất, cứ 20 ca hẹp mạch máu não thì có 1 bệnh nhân cần đặt stent, các trường hợp còn lại chỉ cần bơm bóng nong (chi phí rẻ bằng 1/3 đặt stent). Bơm bóng nong nghĩa là bác sĩ sẽ đi dây dẫn tới vị trí mạch máu bị hẹp rồi bơm bóng lên. Khi bóng được bơm lên sẽ ép sát các mảng xơ vữa vào thành mạch. Bóng được rút ra ngay thời điểm can thiệp. Lúc đó, tình trạng tắc hẹp mạch máu của bệnh nhân gần như được cải thiện hoàn toàn. Họ chỉ cần dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
|
Hình ảnh động mạch cảnh của một bệnh nhân trước (trái) và sau khi được đặt stent động mạch cảnh - Ảnh: T.Y. |
Với trường hợp hẹp tắc động mạch cảnh, bắt buộc phải đặt stent, không thể áp dụng kỹ thuật nong bóng. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Thống Nhất tiến hành khoảng 15 ca bao gồm đặt stent động mạch cảnh và đốt sống.
Stent cũng được chia thành nhiều loại và tùy thuộc tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Các stent gồm có: stent kéo huyết khối, stent hỗ trợ thả coil, stent can thiệp hẹp mạch máu não, stent chuyển dòng. Trong đó, chi phí đặt 1 stent rẻ nhất là từ 180 triệu đồng, stent chuyển dòng giá cao nhất - lên đến vài trăm triệu đồng. Stent chuyển dòng có giá thành cao vì được làm bằng vật liệu tương tự vật liệu của thân máy bay (rất khít, mềm). Stent kéo huyết khối lại có độ cứng tương đối, còn stent dành cho hẹp mạch máu não phải chắc chắn nhưng không được quá cứng. Stent thả coil phải mềm nhưng cần đảm bảo độ chắc...
Tóm lại, khi có các biểu hiện điển hình của thiếu máu não, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời. Thiếu máu não do túi phình mạch máu, dị dạng mạch máu não hoặc do tắc hẹp mạch máu não vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ đột quỵ cao. Túi phình mạch máu nếu không được theo dõi, khi phình lớn lên, vỡ ra sẽ gây chảy máu não. Mặt khác, đối với những bệnh nhân trên, nếu không kiểm soát tốt huyết áp, tình trạng tăng huyết áp gây ra áp lực trong thành mạch, từ đó rất dễ bị chảy máu não (tai biến).
Để phòng tránh thiếu máu não do nguyên nhân lối sống, cần tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh; bổ sung nhiều rau trái và chất béo có lợi; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa phải tẩy chay toàn bộ thực phẩm chứa mỡ. Mỡ vẫn cần thiết cho cơ thể, giúp vận chuyển các vitamin tan trong mỡ và dự trữ năng lượng. Nếu tỉ lệ mỡ của cơ thể quá thấp sẽ gây ra các vấn đề về tim mạch (giảm nhịp tim), giảm mạnh năng lượng (không có năng lượng dự trữ) và hay bị lạnh (mỡ có tác dụng điều nhiệt và bảo vệ các cơ quan nội tạng). Ngoài ra, mức độ a xít béo trong não quá thấp sẽ gây mất tập trung. Không chỉ thế, người có tỉ lệ mỡ quá thấp còn hay bị đói, không đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động thể chất, nam giới bị ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng…
Nhìn chung, chất béo là thành phần không thể thiếu đối với hoạt động sống nhưng chúng ta cần kiểm soát chất béo trong cơ thể ở mức thích hợp. Cần xây dựng thói quen tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giúp cân bằng chất béo, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, giảm nguy cơ tử vong và các bệnh liên quan đến béo phì khác. Nên ăn các thực phẩm chứa chất béo có lợi (có nhiều trong các loại cá béo).
|
Theo phụ nữ TPHCM