leftcenterrightdel
Đau đầu sau sinh có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật. Ảnh:Romper
 

Mới đây, một người phụ nữ tên Amber đến khoa cấp cứu bằng xe cứu thương với lời phàn nàn về cơn đau đầu dữ dội từ hôm trước. Amber không ngủ được nhiều vì mới sinh con và phải thức dậy nhiều lần mỗi đêm để cho con bú. Cơn đau đầu của Amber trở nên tồi tệ hơn vào sáng sớm, chồng cô phải gọi 911 để đưa cô đến khoa cấp cứu.

Chồng Amber cho rằng thiếu ngủ là vấn đề chính gây ra đau đầu. Anh kể lại việc Amber thức dậy lúc 2h sáng với cơn đau đầu dữ dội hơn và bắt đầu cảm thấy buồn nôn. Cô đã uống một ít ibuprofen nhưng bị nôn ngay sau đó.

Dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật

Khi đến bệnh viên, Amber đã được kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn. Nhịp tim của cô bình thường, nhưng huyết áp lại cao. Trong lần kiểm tra kế tiếp, huyết áp của Amber vẫn cao, thậm chí còn cao hơn lần đầu. Đáng nói, Amber không có tiền sử huyết áp cao, nên điều này rất nguy hiểm.

Các nhân viên y tế tiếp tục đặt Amber lên giường và đặt ống truyền tĩnh mạch vào tay cô. Họ cho cô uống thuốc buồn nôn và thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch. Vài phút sau, Amber được đưa đến phòng cấp cứu và y tá nói rằng chứng buồn nôn của cô ấy đã đỡ hơn.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Amber có thể đang gặp phải tình trạng tiền sản giật, do huyết áp tăng cao, đau đầu và cô đã sinh con vào 2 tuần trước. Sau khi được chẩn đoán, y tá bắt đầu cho Amber dùng magie và thuốc hạ huyết áp để ngăn cô bị co giật.

The Columbus Dispatch thông tin tiền sản giật là căn bệnh khởi đầu bằng biểu hiện tăng huyết áp, với dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể như thận và gan ở phụ nữ mang thai hoặc sau sinh - dù trước đó họ không bị tăng huyết áp.

Tiền sản giật thường bắt đầu sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng nó vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả 6 tuần sau sinh. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật, một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Sản giật có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trong trường hợp này, người mẹ phải sinh con ngay lập tức, kể cả khi trẻ sinh non.

Tiền sản giật sau sinh xảy ra phổ biến trong vòng 7 ngày đầu tiên và muộn nhất là 6 tuần. Các nhà khoa học ước tính rằng biến chứng tiền sản giật trong lúc mang thai chiếm khoảng 5% và sau sinh còn ít hơn.

leftcenterrightdel
 Sản phụ cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe. Ảnh:Lancaster General Health.
 

Nguyên nhân và cách điều trị tiền sản giật

Những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật ở thai phụ là: Tiền sử tiền sản giật trong lần mang thai trước, mang thai nhiều hơn một em bé, tiền sử cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh thận và tiền sử rối loạn tự miễn dịch. Ngoài ra, tiền sản giật còn có thể xuất hiện khi nhau thai không phát triển bình thường, do các mạch máu cung cấp máu cho nhau thai gặp vấn đề.

Nhiều phụ nữ bị tiền sản giật sau sinh lại không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong thời kỳ mang thai và huyết áp của họ vẫn bình thường. Do đó, rất khó để chẩn đoán căn bệnh này. The Columbus Dispatch khuyến nghị phụ nữ theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bản thân và tái khám với bác sĩ.

Tiền sản giật khi mang thai sẽ được điều trị bằng thuốc huyết áp và theo dõi chặt chẽ. The Columbus Dispatch nhận định cách điều trị tiền sản giật tốt nhất là sinh con. Tuy nhiên, bác sĩ sản khoa phải quyết định thời điểm thai nhi phát triển đủ khỏe để thúc sinh, đồng thời cần cân bằng thời điểm đó với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tiền sản giật ở người mẹ.

Nếu phải sinh sớm, bác sĩ sản khoa có thể cho người mẹ dùng steroid, để giúp phát triển và củng cố phổi của thai nhi, từ đó giảm thiểu các biến chứng về sau.

Theo zingnews