Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.400 ca mắc mới. Ảnh:Novochag.

Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư khá phổ biến ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Ths.BS Hà Hải Nam, Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết, khi phát hiện thường bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.

Thống kê cho thấy ung thư buồng trứng chỉ chiếm 3% trong tổng số các bệnh lý ung thư. Bệnh thường gặp ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại gặp nhiều ở những nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.

Trên toàn thế giới trong năm 2020, khoảng 314.000 phụ nữ được chẩn đoán có khối u ác tính tại buồng trứng, hơn 207.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.400 ca mắc mới.

Những người nguy cơ cao mắc bệnh

ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K, cho hay ung thư buồng trứng là khi một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường. Các tế bào này phát triển không tuân theo nhu cầu và kiểm soát của cơ thể, chúng tạo thành các khối u ác tính.

Các tế bào ung thư này còn có thể xâm lấn và phá hủy mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy, chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại đó. Các thể ung thư buồng trứng bao gồm:

- Ung thư biểu mô buồng trứng: Đây cũng là loại ung thư hay gặp nhất hiện nay.

- Ung thư tế bào mầm.

- Ung thư mô đệm.

Hầu hết trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.

Bác sĩ Hải Nam cho biết hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư buồng trứng. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng:

  • Tiền sử gia đình: Mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
  • Tiền sử bản thân: Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.
  • Tuổi: Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, thường trên 50 và tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
  • Mang thai và sinh con: Những người chưa từng sinh con nguy cơ ung thư cao hơn người đã sinh con.
  • Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
  • Điều trị hormone thay thế.
  • Uống rượu (tăng nguy cơ 57%), béo phì (tăng nguy cơ 28%).

Dấu hiệu ung thư buồng trứng

"Thực tế, chúng ta thường coi nhẹ hoặc hiểu nhầm những dấu hiệu của ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác", phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho hay.

 
Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thường gặp khác. Ảnh: Shutterstock.
ung thu buong trung anh 1
ung thu buong trung anh 1

Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thường gặp khác. Ảnh:Shutterstock.

Vì vậy, người dân cần luôn chú ý và cảnh giác khi nhận thấy các dấu hiệu sau, chúng rất có thể là triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng:

  • Cảm thấy đầy bụng hoặc đau bụng vùng khung chậu, phía dưới rốn.
  • Ăn uống không ngon miệng.
  • Sút cân không rõ lý do.
  • Rối loạn đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, táo bón.
  • Ợ nóng.
  • Đau lưng.
  • Đi tiểu thường xuyên: Do khối u chèn ép bàng quang.
  • Hay mệt mỏi và cáu gắt.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chảy máu âm đạo sau bất thường sau mãn kinh.
  • Đau rát khi quan hệ tình dục.

Bác sĩ Lê Trí Chinh cho biết để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt sau để có phương án điều trị phù hợp.

Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4 trong máu sẽ giúp đưa ra kết luận về ung thư buồng trứng. Cụ thể, giá trị chẩn đoán của HE4 ở giai đoạn sớm là 62-83%, giai đoạn muộn là 75-93%. Giá trị chẩn đoán của CA125 ở giai đoạn sớm là 50%, giai đoạn muộn là 92%. Trong khi giá trị chẩn đoán của CA15-3 chỉ đạt 50-56% và CA72-4 chỉ đạt 63-71%, sự kết hợp các dấu ấn này có thể làm độ nhạy chẩn đoán tăng lên.

Siêu âm: Phương pháp siêu âm chủ yếu được dùng để phát hiện ra ung thư nhưng không thể nhận định được đó là ung thư lành tính hay ác tính. Phương pháp này sử dụng các sóng âm thanh để có được hình ảnh của buồng trứng và phát hiện biểu hiện phát triển bất thường trong buồng trứng.

Chụp MRI hay chụp CT: Hình thức kiểm tra bằng chụp MRI hay chụp CT sẽ cho thấy hình ảnh chụp ở các góc nên các bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của khối u trong buồng trứng.

Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để thấy được sự tăng trưởng của toàn bộ khối u như thế nào, từ đó có cách thức điều trị phù hợp hơn.

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Do đó, để phát hiện, có hướng điều trị kịp thời, bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Theo Zingnews