Kaley Cuoco, nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ, 37 tuổi, xác nhận bị hội chứng ống cổ tay khi bế con. Nữ diễn viên thường xuyên chia sẻ hình ảnh bế con gái 4 tháng tuổi của mình trên trang cá nhân. Cô bắt đầu cảm thấy tê và ngứa ra ở ngón tay và bàn tay.
Mặc dù vậy, Kaley Cuoco vẫn tiếp tục các bài tập vận động thể lực mà không dùng đến… bàn tay. Cô cũng tìm ra cách sử dụng dụng cụ cải cách để tập Pilates mà không cần dùng tay. Cô tập thể dục nhịp điệu, tập trên máy chạy bộ và tập bụng với một quả bóng yoga. Trong quá trình tập luyện, cô ấy luôn đeo nẹp bảo vệ cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý thường gặp do dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay, một khoảng trống hình chữ nhật được hình thành bởi các xương cổ tay và dây chằng vòng cổ tay.
Bệnh lý này gây ra các triệu chứng như đau, tê, dị cảm, yếu cơ ở các ngón tay và bàn tay, đặc biệt là vùng da chi phối của thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngoài ngón nhẫn). Các triệu chứng thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi làm việc liên quan đến cử động cổ tay nhiều và lặp đi lặp lại.
Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là do viêm bao gân gấp hoặc do các bệnh lý khớp cổ tay.
Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm mang thai, bệnh gout, suy giáp, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường hoặc sử dụng rượu mạn tính.
Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ ở tuổi trung niên, phụ nữ thường gặp hơn nam giới. Những người lao động có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay, như sử dụng chuột máy tính nhiều, may vá, làm móng tay... cũng có nguy cơ cao hơn.
Hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân phổ biến gây tê và đau bàn tay, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt thường gặp ở những người làm việc văn phòng do đánh máy vi tính quá nhiều.
Dấu hiệu cảnh báo của hội chứng ống cổ tay
Các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Cảm giác các ngón tay sưng phồng mơ hồ.
- Tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1 phần ngón đeo nhẫn; triệu chứng tê bì đôi khi lan lên cẳng tay và cánh tay.
- Đau hoặc ngứa ran có thể đi lên cẳng tay về phía vai.
- Nặng hơn sẽ có tình trạng tay yếu và vụng về, đau cơ, chuột rút và có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách...
Đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay tê liệt hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng và khẳng định bằng đo tốc độ truyền dây thần kinh hoặc điện cơ đồ. Các xét nghiệm này giúp xác định mức độ và vị trí của tổn thương thần kinh giữa. Ngoài ra, có thể cần làm thêm một số xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác của các triệu chứng.
Điều trị hội chứng ống cổ tay
Điều trị hội chứng ống cổ tay có thể bao gồm các biện pháp không phẫu thuật hoặc phẫu thuật.
Các biện pháp không phẫu thuật bao gồm:
- Hạn chế hoạt động gây kích thích cho cổ tay.
- Đeo nẹp cố định cổ tay vào ban đêm để giảm áp lực lên thần kinh giữa.
- Dùng thuốc giảm viêm không steroid (NSAIDs) để giảm viêm và đau.
- Tiêm corticosteroid vào ống cổ tay để làm giảm sưng và viêm.
- Thực hiện các bài tập vận động trị liệu cho cổ tay và bàn tay.
Nếu các biện pháp không phẫu thuật không hiệu quả hoặc bệnh lý đã nặng, có thể cần phẫu thuật để mở rộng ống cổ tay và giảm áp lực lên thần kinh giữa.
Phẫu thuật có thể được thực hiện theo 2 phương pháp: mổ mở hoặc nội soi. Phẫu thuật thường mang lại kết quả tốt, giúp cải thiện các triệu chứng và chức năng của bàn tay.
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý thường gặp và có thể gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể được khắc phục và phục hồi hoàn toàn. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tái phát.
BS NGUYỄN THỊ HẢI ĐAN