Theo Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), nghiện internet được xếp vào nghiện hành vi.
Một số nghiên cứu trong nhóm thanh thiếu niên và người lớn (độ tuổi trung bình là 21,5) trong nước cho thấy, tỷ lệ nghiện internet trong thanh thiếu niên khoảng 21%. Một nghiên cứu trong nhóm sinh viên đại học ở Việt Nam cho ra tỷ lệ 37,5% nghiện internet.
Về cơ chế tâm lý, nghiện internet chủ yếu do 2 yếu tố là khó kiểm soát hành vi và cảm xúc tiêu cực. Trong đó, khó kiểm soát hành vi là sự mất kiểm soát đối với việc sử dụng internet, dẫn đến việc sử dụng quá mức. Cảm xúc tiêu cực là những cảm giác như trầm cảm, lo âu hay căng thẳng khiến người dùng tìm đến internet như một cách để trốn tránh.
Nghiện game online (trò chơi trực tuyến) thuộc nhóm nghiện internet.
Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game gây suy giảm về kết quả học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game. Người chơi đánh giá tích cực hơn về thế giới ảo và phụ thuộc quá nhiều vào trò chơi, cuối cùng là rối loạn chơi game.
Thời gian hoặc tần suất hành vi chơi game tăng dần theo thời gian; hoặc nhu cầu tham gia vào các trò chơi có mức độ phức tạp ngày càng tăng, yêu cầu kỹ năng hoặc chiến lược nhiều hơn để duy trì, tăng mức độ phấn khích trước đó hoặc để tránh sự nhàm chán.
Người nghiện game có sự thôi thúc hoặc thèm muốn tham gia chơi game ngay cả khi tham gia các hoạt động khác; bỏ qua các sở thích khác và cảm thấy khó chịu, cáu gắt hoặc gây hấn bằng lời nói, thể chất khi bị chấm dứt hoặc giảm chơi game.
Thậm chí, chơi game khiến họ gián đoạn trong chế độ ăn uống, giấc ngủ, tập thể dục và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác, có thể dẫn đến kết quả tiêu cực về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thông thường, các bệnh nhân nhập viện điều trị nghiện game là người trẻ, học sinh, sinh viên và vào viện ở giai đoạn muộn, thường gặp các vấn đề rối loạn đồng diễn (cùng một lúc có nhiều vấn đề như nghiện game kèm theo các rối loạn giấc ngủ, các vấn đề sức khỏe cơ thể như gầy sút cân, học tập sa sút…).
Dễ tái nghiện game, internet nếu gia đình không hợp tác
Qua thực tế điều trị, TS - BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần), lưu ý trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm, dành thời gian cho các con thay vì cũng thường xuyên "ôm" điện thoại. Sau khi con điều trị nghiện game, các gia đình cần hợp tác để con tránh tái nghiện. Có tình trạng, hầu như các gia đình và người bệnh chỉ phối hợp trong khoảng một vài tháng, do đó tỷ lệ tái nghiện game, nghiện internet cũng rất cao.
Sử dụng internet phù hợp là không quá 2 giờ/ngày nghỉ và 1 giờ/ngày bình thường, không tính thời gian dùng internet vào làm việc hoặc học tập.
Về điều trị, người nghiện internet, nghiện game được điều trị bằng liệu pháp hành vi, thông qua cách giảm mối liên hệ giữa các kích thích liên quan đến trò chơi và phản ứng của người chơi đối với chúng. Liệu pháp này tập trung vào bản thân hành vi, thay thế hoặc thay đổi hành vi chơi game.
Người bệnh cũng được áp dụng liệu pháp tâm lý với việc tập trung vào việc điều chỉnh nhận thức và trạng thái tâm thần. Nó giúp các cá nhân điều chỉnh nhận thức không thích nghi của họ và lấy lại sự hỗ trợ tâm lý cuối cùng làm thay đổi hành vi.
Phương pháp kích thích điện được áp dụng trong điều trị nghiện game, hướng tới làm thay đổi các đặc điểm sinh lý thần kinh của não và cơ thể, biểu hiện dưới dạng thay đổi tâm lý và hành vi.
Trong trường hợp các gia đình cần tư vấn về cai nghiện game và các vấn đề sức khỏe tâm thần, có thể liên lạc với bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần theo số điện thoại: 02435765344/0984104115.
Theo Thanh niên