Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng lượng glucose trong máu. Glucose là nguồn năng lượng quan trọng, giúp các tế bào cấu thành cơ, mô và cung cấp “thức ăn” cho não. Người mắc sẽ bị tăng glucose huyết do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin.
Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, đồng thời làm tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi. Do đó, nếu mắc, bệnh nhân buộc phải sống chung và dùng biện pháp để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.
Dấu hiệu chung
Tiểu đường được chia thành 3 loại: type I, II, thai kỳ. Cả 3 loại tiểu đường đều có thể dễ dàng phát hiện khi làm xét nghiệm máu. Quá trình xét nghiệm sẽ kiểm tra liệu nồng độ glucose trong máu có quá cao hay không.
Bệnh nhân mắc một trong 3 loại đều có chung những triệu chứng sau đây.
Đói và mệt: Cơ thể con người chuyển thức ăn thành glucose. Tế bào sẽ sử dụng glucose này để làm năng lượng nhờ insulin hấp thụ. Tuy nhiên, cơ thể người mắc tiểu đường không sản xuất đủ insulin cần thiết hoặc kháng insulin. Điều đó khiến glucose không thể hấp thu, tế bào mất đi “thức ăn”. Đây cũng chính là thủ phạm làm bệnh nhân mắc tiểu đường xuyên cảm thấy đói, mệt mỏi.
Đi tiểu thường xuyên: Trung bình 24 giờ, người bình thường đi tiểu từ 4 đến 7 lần. Cơ thể tái hấp thu glucose qua thận. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường gặp tình trạng tiểu nhiều do glucose huyết cao, khiến chất dịch bị đẩy ra ngoài mô. Do đó bạn có thể có cảm giác khát. Kết quả là, bạn có thể uống và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Vì vậy, khi đột nhiên đi tiểu quá nhiều mà không có nguyên nhân rõ ràng, bạn nên đi khám bác sĩ.
Hay khát nước: Đi tiểu nhiều khiến cơ thể mất nước, sinh ra cảm giác khát. Theo bác sĩ nội tiết Poorani Goundan (Trung tâm Y tế Boston, Mỹ), rất nhiều người không biết bản thân mắc bệnh tiểu đường đã giải khát bằng đồ uống có đường. Điều này khiến tình hình thêm trầm trọng vì làm tăng thêm lượng đường trong máu.
|
Người mắc tiểu đường thường xuyên thấy khát, khô miệng, tiểu nhiều lần... Ảnh:iStock. |
Khô miệng, ngứa da: Việc mất nước liên quan tiểu đường góp phần gây ra tình trạng khô miệng, khiến hơi thở có mùi khó chịu. Miệng khô sẽ không tiết ra đủ nước bọt để rửa trôi vi khuẩn và làm cân bằng độ pH trong miệng. Mất nước cũng là nguyên nhân gây ngứa da ở người mắc tiểu đường.
Nhìn mờ: Thay đổi lượng chất lỏng trong cơ thể có thể làm cho thủy tinh thể trong mắt sưng lên, biến đổi hình dạng. Chất lỏng cũng có thể hình thành ở tròng mắt khi lượng đường gia tăng trong máu. Kết quả, bệnh nhân mắc tiểu đường không thể nhìn rõ, mất tập trung ở vùng mắt.
Những đốm tối màu trên da: Những đốm tối màu xuất hiện trên cổ, nách, xương chậu là những dấu hiệu sớm và rất phổ biến cho thấy nồng độ insulin trong cơ thể có vấn đề. Đặc biệt, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng thường xuyên xuất hiện dấu hiệu này. Hội chứng buồng trứng đa nang cũng làm tăng nguy cơ khiến lượng insulin bất thường.
Ở phụ nữ mang thai, tiểu đường thai kỳ không có triệu chứng rõ ràng mà diễn biến thầm lặng trong cơ thể. Các bà bầu cần làm kiểm tra đường huyết trong thời gian mang thai để có được kết quả chính xác nhất.
|
Tiểu đường có thể dễ dàng phát hiện khi làm xét nghiệm máu. Ảnh:Freepik. |
Triệu chứng cảnh báo theo type
Tiểu đường type I là loại phụ thuộc insulin hay còn gọi là tiểu đường ở người trẻ. Bệnh xuất hiện do cơ chế tự miễn, tuyến tụy bị tấn công và phá hủy bởi chính cơ thể, khiến nó không còn khả năng sản xuất insulin. Tiểu đường type I ít gặp hơn - chỉ 5% bệnh nhân mắc loại này.
Người bị tiểu đường type I gặp tình trạng giảm cân đột ngột. Nguyên nhân là cơ thể không thể sản sinh năng lượng từ thức ăn. Nó bắt đầu đốt cháy cơ bắp, chất béo khiến người bệnh sụt cân.
Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy buồn nôn. Cơ thể đốt cháy chất béo sẽ tạo ra ketones. Những chất này tích tụ trong máu vượt mức cho phép gây tình trạng nhiễm toan ceton do tiểu đường. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, đe dọa tính mạng và có triệu chứng là khiến bệnh nhân nôn nao.
Tiểu đường type II là loại không phụ thuộc insulin hay còn gọi là tiểu đường ở người trưởng thành. Bệnh nhân vẫn còn khả năng sản xuất insulin nhưng không đủ lượng cần thiết.
Người mắc tiểu đường type II sẽ bị nhiễm trùng nấm. Tình trạng này phổ biến ở cả nam và nữ. Nấm men ăn glucose, khi cơ thể dư thừa đường, đồng nghĩa nó được nuôi sống và phát triển mạnh. Nhiễm trùng nấm men có thể phát triển ở bất kỳ nếp da ấm và ẩm nào như giữa các ngón tay, chân, dưới ngực, xung quanh cơ quan sinh dục.
Đặc biệt, ở nữ giới, nhiều người gặp tình trạng nhiễm nấm âm đạo. Nồng độ đường trong máu cao khiến cơ quan này trở thành môi trường lý tưởng cho các nấm men phát triển thành bệnh.
|
Ngứa vùng kín, nhiễm nấm âm đạo là triệu chứng thường gặp ở người bị tiểu đường. Ảnh:Freepik. |
Bệnh nhân bị tiểu đường type II xuất hiện thêm tình trạng vết thương chậm lành. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao ảnh hưởng lưu lượng huyết thanh và gây tổn thương dây thần kinh. Tiểu đường thường đi kèm tình trạng huyết áp và nồng độ cholesterol cao, khiến mạch máu bị thu hẹp, cản trở việc máu lưu thông tới vết thương và khiến nó lâu lành. Tiểu đường cũng làm yếu hệ miễn dịch, do đó làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể trước vi khuẩn.
Theo thống kê năm 2017 của Diabetes Care, gần 50% bệnh nhân mắc tiểu đường có hiện tượng cánh tay, bàn tay, chân, tê bì hoặc có cảm giác châm chích. Nguyên nhân là tiểu đường làm giảm lượng máu lưu thông tới các chi và dần dần làm hư hại các mạch máu và dây thần kinh tại đây.
Hiện nay, một số người còn gặp tình trạng tiền tiểu đường. Theo Mayo Clinic, đây là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để kết luận bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo dù ở giai đoạn tiền hay đã được chẩn đoán mắc tiểu đường, chúng ta cần thay đổi lối sống, bữa ăn để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm,
Chúng ta nên ăn thực phẩm ít béo, calo, tăng cường chất xơ và rau, quả, ngũ cốc nguyên hoạt. Mỗi người cần dành ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày để tăng cường trao đổi chất, đào thải mỡ thừa và luyện sức khỏe tim mạch. Người bị béo phì, cao huyết áp dễ mắc tiểu đường, do đó, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, kết hợp khoa học giữa ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi.
Theo Zing