leftcenterrightdel
 

Cả ngừng tim và đau tim đều là những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp và có thể đe dọa tới tính mạng. Vậy ngừng tim là gì? Có dấu hiệu sớm nào cảnh báo trước khi cơn ngừng tim đột ngột xuất hiện không? Ngừng tim và đau tim có điểm gì khác biệt?...

Dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết về tình trạng ngừng tim.

1. Ngừng tim là gì?

Ngừng tim và đau tim là hai chẩn đoán khác nhau và dễ gây nhầm lẫn.

Ngừng tim (Cardiac Arrest - đôi khi còn gọi là ngừng tim đột ngột) xảy ra khi tim bạn đột ngột ngừng bơm máu, điều này hạn chế toàn bộ lưu lượng máu đến não và các cơ quan khác và gây mất ý thức. Ngừng tim là một cấp cứu y tế đòi hỏi phải hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức và cấp cứu y tế.

Khác với ngừng tim, đau tim (Heart Attack) là một trường hợp cấp cứu y tế xảy ra khi không có đủ máu giàu oxy đến cơ tim gây tổn thương cho các tế bào của tim, nếu tình trạng tắc nghẽn này không được hồi phục kịp thời có thể dẫn tới tổn thương tim vĩnh viễn hoặc đe dọa tới tính mạng.

Điều đáng chú ý là ngừng tim thường khó để dự đoán trước được. Tuy nhiên có một số dấu hiệu cảnh báo mà bạn có thể chú ý tới để dự phòng.

2. Dấu hiệu cảnh báo trước cơn ngừng tim

Khi tim đột ngột ngừng đập, người bị ngừng tim không phải lúc nào cũng có thể nhận ra điều gì đang xảy ra với họ và bản thân họ cũng không thể ngăn chặn khi tình trạng này xảy ra. Đó chính là lý do tại sao nếu bạn thấy ai đó đột nhiên ngã quỵ, sụp xuống và bất tỉnh thì bạn cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo cùng hồi sức tim phổi ngay lập tức.

Các dấu hiệu ngừng tim bao gồm: ngã quỵ, bất tỉnh đột ngột; mất ý thức; cơ thể không phản hồi với các tác động vật lý như lắc vai hoặc tiếng gọi lớn; khó thở, thở hổn hển hoặc không có dấu hiệu của hơi thở; da lạnh đôi khi có thể là da tái xanh;...

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) thì CPR đúng cách có thể giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba cơ hội sống sót cho người bị ngừng tim. Sau khi gọi cấp cứu, hãy thực hiện các bước CPR bằng tay sau, lưu ý thực hiện hô hấp nhân tạo nếu không kiểm tra thấy hơi thở của nạn nhân:

- Đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng vững chắc.

- Đặt gót một bàn tay trên lồng ngực nạn nhân. ngang hai đầu vú, chồng bàn tay còn lại lên bàn tay thứ nhất và đan những ngón tay lại với nhau.

- Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống khoảng 5-6 cm, rồi buông ra cho lồng ngực trở lại như cũ trước khi ép tiếp với tốc độ 100 - 120 nhịp/phút.

Hãy tiếp tục thực hiện cho tới khi có các trợ giúp y tế.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Digital Health Friday thì khoảng 50% số người trước khi ngừng tim có ít nhất một dấu hiệu cảnh báo 24 giờ trước khi cơn ngừng tim xảy ra. Những triệu chứng dễ nhận biết này bao gồm:

- Khó thở

- Đau ngực

- Đổ mồ hôi quá mức

- Hành động giống như bị co giật.

leftcenterrightdel
 Khoảng 50% sô người trước khi ngừng tim có ít nhất một dấu hiệu cảnh báo 24 giờ trước khi cơn ngừng tim xảy ra (Ảnh: ST)

Có sự khác biệt nào về dấu hiệu cảnh báo ngừng tim giữa nam giới và nữ giới không?

Theo Healthline, các nhà khoa học cũng tìm thấy sự khác biệt trong các triệu chứng cảnh báo ngừng tim đột ngột giữa nam và nữ giới. Cụ thể, theo nghiên cứu được công bố trong Lancet Digital Health, phụ nữ trải qua sự cố ngừng tim thường gặp triệu chứng khó thở trước khi xảy ra sự cố, trong khi đa số nam giới lại trải qua cơn đau ngực là triệu chứng nổi bật nhất.

Đối với phụ nữ, nếu họ bất ngờ gặp phải cơn khó thở, nguy cơ xảy ra sự cố ngừng tim sắp xảy ra tăng gấp ba lần. Đối với nam giới, nếu họ bất ngờ gặp phải một cơn đau ngực, nguy cơ này có thể tăng gấp đôi.

3. Nguyên nhân gây ngừng tim

Ngừng tim thường gặp ở nam giới lớn tuổi hơn phụ nữ. Ngừng tim xảy ra đột ngột nhưng có một số bệnh tim tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố ngừng tim đột ngột:

- Đau tim: Người đang bị đau tim có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột. Các triệu chứng của cơn đau tim cần chú ý bao gồm khó chịu ở ngực, khó thở, đau nhức ở cánh tay, buồn nôn và cực kỳ mệt mỏi.

- Bệnh động mạch vành (CAD): Loại bệnh tim phổ biến nhất làm giảm lưu lượng máu đến tim và có thể dẫn đến tắc nghẽn. Những người bị CAD có thể phàn nàn về cảm giác đau ngực hoặc khó thở trước khi bị ngừng tim.

- Bệnh cơ tim: Bệnh cơ tim có thể gây suy tim. Những người mắc bệnh cơ tim có thể bị khó thở, mệt mỏi, sưng chân và tăng cân nhanh chóng trước khi ngừng tim.

- Rối loạn nhịp thất: Tình trạng này xảy ra khi tâm thất (buồng dưới của tim) bắt đầu có nhịp tim bất thường. Những người bị rối loạn nhịp thất có thể được cấy ghép một thiết bị y tế gọi là máy khử rung tim cấy ghép (ICD) vào cơ thể họ. Nếu một người đã cấy ICD bắt đầu thấy tim đập nhanh hoặc sốc, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự cố ngừng tim sắp xảy ra.

Bệnh van tim, bệnh khuyết tật tim bẩm sinh,... cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy ra sự cố ngừng tim ở một người.

4. Câu hỏi thường gặp

- Ai có nguy cơ bị ngừng tim?

Ngoài bệnh tim sẵn có thì theo Johns Hopkins, nguy cơ bị ngừng tim có thể cao hơn nếu bạn:

+ Nghiện rượu hoặc nghiện các chất kích thích

+ Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc từng bị ngừng tim

+ Bị huyết áp cao

+ Cholesterol cao

+ Thiếu dinh dưỡng (kali, magie)

+ Béo phì

+ Có thói quen hút thuốc lá

+ Lớn tuổi

+ Bị chứng ngưng thở khi ngủ

+ Bị bệnh thận mãn tính.

Tuy nhiên, một số người có thể bị ngừng tim mà không có yếu tố nguy cơ nào cả. Vì thế mà việc duy trì một lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.

- Sự khác biệt giữa ngừng tim đột ngột và đau tim là gì?

Thuật ngữ "đau tim" và "ngừng tim" thường được sử dụng và dễ nhầm lẫn, nhưng đây là hai bệnh tim khác nhau. Cơn đau tim xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong động mạch làm ngừng lưu lượng máu đến tim. Do thiếu máu và oxy chảy vào tim, mô cơ tim sẽ bị tổn thương.

Các cơn đau tim có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim vì các cơn đau tim có thể làm thay đổi tín hiệu điện trong tim. Khi ngừng tim xảy ra đột ngột mà không có bệnh tim nào khác, nhiều khả năng nguyên nhân là do đau tim.

- Ngừng tim có phục hồi được không?

Nếu được trợ giúp và cấp cứu đúng cách thì người bị ngừng tim có thể phục hồi bình thường sau khi được điều trị tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn thay đổi lối sống để giảm nguy cơ ngừng tim hoặc các biến chứng nặng hơn nếu cần thiết, bên cạnh đó là những buổi tái khám định kì.

- Ngừng tim có phòng ngừa được không?

Giữ cho trái tim khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa ngừng tim đột ngột. Bạn có thể làm điều này bằng cách:

+ Có chế độ ăn uống lành mạnh

+ Thăm khám sức khỏe định kì, đặc biệt nếu có các bệnh tim mạch

+ Không hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác

+ Kiểm soát huyết áp và cholesterol

+ Duy trì thói quen vận động.

Tóm lại, ngừng tim là một tình trạng y tế cấp cứu cần được nhận biết và xử lý ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ tử vong và tổn thương não vĩnh viễn. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo có thể giúp trong việc nhận dạng và cung cấp sự can thiệp kịp thời, từ đó cứu sống người bệnh. Các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, mệt mỏi bất thường, nhịp tim không đều và ngất xỉu là những triệu chứng cần chú ý.

 

Châu Anh (tổng hợp)