Viêm cột sống dính khớp không được điều trị sớm và đúng cách sẽ tiến triển đến viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên, gây gù vẹo, mất chức năng và tàn phế. Vì vậy việc phát hiện sớm và vật lý trị liệu, vận động thể dục sớm là vô cùng quan trọng với người bệnh.

1.Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng viêm xảy ra ở mối nối giữa các đốt của cột sống lưng, hay giữa cột sống và xương chậu. Các nghiên cứu cũng ghi nhận thấy vấn đề viêm cũng được thấy ở một số bệnh nhân như khớp cổ tay, cổ chân, khớp cổ...

Viêm cột sống dính khớp là nhóm bệnh lý viêm khớp cột sống, thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh gây ra do tình trạng viêm hệ thống và mạn tính lên các khớp đặc biệt là vùng cột sống và khớp cùng chậu (vùng mông).

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể thống nhất nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên các nhiều quan điểm cho rằng yếu tố di truyền gia đình và các yếu tố tác động từ môi trường sống đều có mối liên hệ với viêm cột sống dính khớp.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nếu có người thân trong gia đình như: cha mẹ, anh chị em, con cái mắc bệnh, khả năng bị viêm cột sống dính khớp tăng 6-16 lần. Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy gen có liên quan đến viêm cột sống dính khớp, trong đó có gen HLA-B27- gen qui định kháng nguyên bạch cầu người, đã được chứng minh có liên quan đến cơ chế sinh bệnh. Các khảo sát cho thấy có khoảng 90% bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có hiện diện HLA-B27.

Dấu hiệu nhận biết và lưu ý về vận động thể dục ở người bệnh viêm cột sống dính khớp - Ảnh 1.

Những triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp thường là đau mỏi cột sống

‎2.Biểu hiện viêm cột sống dính khớp

Khi bị vêm cột sống dính khớp người bệnh thường có biểu hiện đau mỏi cột sống, vận động cột sống không được linh hoạt. Do đó khi ngồi xổm sẽ khó, người bệnh sẽ thấy có cảm giác đau khi muốn thay đổi tư thế ngồi. Các biểu hiện của bệnh sẽ tiến triển âm thầm theo thời gian sẽ thấy đau tăng dần lên, rồi các khe khớp cột sống dần dần bị thu hẹp lại, bởi vậy cột sống khi vận động trở nên khó khăn hơn.

Những biểu hiện này thường bắt đầu ở độ tuổi cuối giai đoạn vị thành niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, các biểu hiện đau ở mỗi người bệnh rất khác nhau, có người đau nhiều và đau trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng người đau mỏi kéo dài liên tục. Cơn đau thường tăng vào cuối ngày và ở một số trường hợp có cảm giác tăng thân nhiệt, người cảm thấy nóng nhưng kiểm tra thì không có hiện tượng sốt.

Nếu không được điều trị sớm người bệnh có nguy cơ biến chứng nguy hại, trong đó có thể bị dính khớp cột sống và các khớp ngoại biên. Dính khớp cột sống gây ra gù, dính khớp háng, khớp gối gây khó khăn cho việc đi lại. Nếu dính khớp xương ức với các sụn sườn gây cứng lồng ngực làm giảm dung tích và chức năng của phổi. 

Trên thực tế các nghiên cứu cho thấy viêm cột sống dính khớp làm tăng mất khoáng xương, do đó các bệnh nhân thường dễ bị loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý. Nhiều người bệnh viêm cột sống dính khớp bị gãy xẹp hoặc gãy lún đốt sống làm nặng thêm tình trạng gù và biến dạng cột sống.

3.Vật lý trị liệu và vận động thể dục rất quan trọng với người bệnh viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm mạn tính gây đau, hậu quả là cứng khớp, dính khớp và mất khả năng làm việc và sinh hoạt dẫn đến tàn phế. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tùy từng cá nhân, mức độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thích hợp.

Ngoài ra, vật lý trị liệu thì việc vận động thường xuyên đúng cách rất quan trọng với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.

Người bệnh viêm cột sống dính khớp cần sử dụng liệu pháp vận động để giúp các khớp linh hoạt. Thông thường việc điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát viêm, giúp giảm đau chứ không có khả năng đẩy lùi bệnh hoàn toàn. Nên người bệnh rất đau đớn đẩy đến tư thế thu vai, cúi người, bước ngắn hoặc ngại vận động để đỡ đau, do đó theo quá trình, các khớp sẽ bị cứng lại và càng khó vận động.

Người bệnh cần tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của cán bộ y tế , tùy thuộc vào người bệnh mà các chương trình tập luyện sẽ được nhà chuyên môn khuyến cáo. Có thể là sử dụng bài tập bơi (bơi ếch), hoặc bài tập thở kết hợp với các chương trình vận động riêng biệt. Với bơi ếch rất hiệu quả với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp bởi do vận động dưới nước nên tránh những tác động đau chói đồng thời có kết hợp nhịp nhàng giữa dãn cột sống, dãn phổi, và vận động khớp háng.

Người bệnh viêm cột sống dính khớp có thể sử dụng bài tập đơn giản đó là thở bằng lồng ngực. Người bệnh cần phải thở sâu, mở rộng lồng ngực để phổi dãn một cách tối đa. Cần áp dụng thường xuyên sẽ giúp cải thiện xương cột sống và để tránh để xương sườn dính vào cột sống.

Trên thực tế khi viêm cột sống dính khớp người bệnh sẽ đau cột sống và cứng nên người bệnh thường có xu hướng cong người về phía trước và thường nằm nghiêng cong người. Nhưng các nghiên cứu cho thấy để duy trì vân động của cột sống và đảm bảo tư thế tốt cho cơ thể, người bệnh cần nằm trên mặt đệm phẳng cứng với tư thế nằm thẳng, không gối cao đầu.

‎Người bệnh viêm cột sống dính khớp được khuyến cáo không hút thuốc vì sẽ làm tăng tốc sẹo phổi và làm cho bệnh nhân càng khó thở hơn.

Viêm cột sống dính khớp là bệnh không phổ biến nhưng các biểu hiện âm thầm và tương đồng với các bệnh lý thông thường khiến người bệnh chủ quan, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. 

Hệ lụy là người bệnh dễ bị phát hiện, điều trị muộn có nguy cơ bị tổn thương cột sống cùng rủi ro tàn phế cho người bệnh. Chính vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.

Theo suckhoedoisong.vn