Tổ chức tế bào gốc quốc gia Mỹ (NSCF) ước tính khoảng 4% dân số thế giới đang sống với bệnh tự miễn. Chỉ tính riêng tại Mỹ đã có khoảng 23,5 triệu người mắc, trong đó 80% là phụ nữ.
|
Móng thay đổi kết cấu, đổi màu bất thường, bong tróc có thể là dấu hiệu của bệnh tự miễn
|
Hệ miễn dịch có chức năng tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh hoặc các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch lại tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Có hơn 100 loại bệnh tự miễn khác nhau, trong đó có bệnh lupus, vảy nến, bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp. Một số loại bệnh tự miễn sẽ gây các biểu hiện bất thường trên móng tay.
Bệnh vảy nến móng tay là loại bệnh tự miễn làm thay đổi kết cấu móng tay. Móng người bệnh trở nên dày bất thường, thay đổi màu sắc, hình dạng và có thể hình thành các lỗ nhỏ. Ngoài ra, móng cũng dễ hư hỏng, các lớp của móng tay sẽ bị tách ra.
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng tay phổ biến là thuốc bôi, thuốc uống, tiêm corticosteroid, liệu pháp ánh sáng và laser.
Với viêm khớp dạng thấp, móng tay người bệnh có thể hình thành các đường vân dọc hoặc khiến móng trở nên dày, đổi màu bất thường. Nếu nghi ngờ mình bị mắc viêm khớp dạng thấp thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay. Vì nếu không điều trị, một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp sẽ ngày càng nặng hơn.
Một bệnh tự miễn khác là lupus. Hệ miễn dịch sẽ tấn công các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến tổn thương và viêm mô. Người mắc sẽ đối mặt các triệu chứng của bệnh suốt đời. Móng tay bệnh nhân lupus có thể sưng đỏ, đôi khi chuyển sang màu sẫm hoặc xanh đen.
Các phương pháp thường được bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh lupus là dùng thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid và một số loại thuốc khác, theo Healthline.
Theo Thanh niên