Rốn đôi khi có thể xuất hiện dịch tiết. Tuy nhiên, không phải mọi loại dịch tiết đều có hại. Nếu dịch tiết trong, có màu nhạt, không hôi, không đau hay đỏ quanh rốn thì không cần đi khám bác sĩ, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tuy nhiên, nếu dịch tiết rốn có mùi thì cần phải đi khám bác sĩ ngay. Nguyên nhân phổ biến nhất là do rốn bị nhiễm khuẩn hoặc nấm. Đây là hệ quả của tình trạng vệ sinh kém, đổ nhiều mồ hôi hoặc rốn bị ẩm trong thời gian dài. Những nguyên nhân gây nhiễm trùng rốn khác là do xỏ khuyên rốn, u nang và các vấn đề về da như chàm, bệnh vẩy nến.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Clinical Medicine phát hiện những người mắc bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ đặc biệt dễ bị nhiễm trùng do nấm, chẳng hạn như nấm candida. Nhiễm nấm này cũng có thể xuất hiện ở rốn bệnh nhân.
Vi khuẩn, nấm thích môi trường tối và ẩm của rốn. Nếu rốn bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ thấy vùng da rốn đỏ hoặc sưng. Dịch tiết sẽ trông như mủ, khiến rốn có mùi hôi. Nếu đó là nhiễm trùng nấm men, rốn sẽ bị ngứa.
Trong trường hợp nhiễm nấm, người mắc có thể dùng các loại kem chống nấm không kê đơn. Nếu là nhiễm trùng thì cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu các triệu chứng kéo dài không hết thì cần đến bác sĩ kiểm tra, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, có hệ miễn dịch yếu, rốn bị đau hay cơ thể có biểu hiện sốt.
Ngoài ra, một số loại nhiễm trùng rốn là do các nguyên nhân khác. Chẳng hạn, nếu gần đây bạn có phẫu thuật thoát vị hoặc nội soi thì rốn của bạn có thể bị nhiễm trùng nếu có vết mổ gần đó. Dịch tiết này có thể trông giống như mủ, có màu vàng xanh hay nâu, mùi khó chịu, kèm theo sưng đỏ, có máu và gây sốt, ớn lạnh.
Một nghiên cứu trên chuyên san PLoS ONE phát hiện trong rốn là nơi cư ngụ của khoảng 2.300 loài vi khuẩn. Do đó, vệ sinh rốn thường xuyên là cần thiết. Mọi người có thể vệ sinh rốn nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô để tránh rốn bị ẩm, theo Medical News Today (Anh).
Theo Thanh niên