Hoạt động thể thao, va đập, tai nạn, nâng vật nặng hay té ngã đều là những nguyên nhân thường gặp gây căng cơ và bong gân. Hai loại chấn thương này có một số điểm giống nhau là gây đau nhức, làm hạn chế cử động, bầm tím và sưng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bên cạnh đó, chúng cũng có một số điểm khác nhau để mọi người phân biệt.
Trước tiên, căng cơ là tình trạng mà cơ bị kéo căng dẫn đến rách cơ hoặc gân. Gân là mô dạng sợi nối cơ với xương. Vị trí căng cơ thường là ở lưng hoặc đùi.
Trong khi đó, bong gân là tình trạng là dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Dây chằng là các mô xơ bao quanh các khớp xương, nối xương với xương hoặc nối xương với sụn. Nếu sau buổi tập gym mà cảm thấy khớp bị đau nhức, co duỗi nghe tiếng lộp cộp, không thể dồn trọng lượng cơ thể lên khớp bị đau thì rất có thể là bong gân. Bong gân nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Vị trí thường bị bong gân nhất là ở mắt cá chân, sau đó là cổ tay, đầu gối và ngón tay cái. Tương tự với căng cơ, bong gân mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và kê cao vị trí bị đau.
Bong gân có thể mất từ vài ngày đến vài tháng mới lành hẳn. Đôi khi tình trạng sưng của bong gân sẽ khiến rất đau. Nếu cơn đau quá khó chịu có thể dùng các loại thuốc giảm đau không đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Trong trường hợp sau khi bị chấn thương mà có cảm giác đau nhói thì cần đến bác sĩ kiểm tra ngay. Những dấu hiệu khác cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp là cảm thấy tê hoặc ngứa ran, khó đi lại hay ra khỏi giường vào buổi sáng, cảm giác đau lan xuống cánh tay, chân, thuốc giảm đau không hiệu quả.
Với những cơn đau không quá dữ dội, sau vài ngày mà căng cơ, bong gân không thuyên giảm hoặc nghiêm trọng hơn thì cũng cần sớm đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét và chọn cách điều trị phù hợp, từ uống thuốc, vật lý trị liệu đến phẫu thuật nếu dây chằng bị đứt hoàn toàn, theo Healthline.
Theo Thanh niên