* Mấy ngày trước, tôi té ngã từ trên cao xuống, được chẩn đoán trật khớp vai trái, phải điều trị bằng thuốc và cố định. Khi hết thuốc, vai tôi vẫn còn sưng, bầm nhiều và đau âm ỉ nên tôi mua thuốc uống thêm. Hai ngày nay, tôi cảm giác vai trái căng, nặng, tay trái yếu, khó khăn khi giơ lên cao, nằm cũng rất đau. Liệu tôi có bị gãy xương không?
Trương Văn Khiêm (tỉnh Long An)
- Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: Chấn thương phần mềm như cơ, dây chằng, gân, da và các mô bao quanh… rất thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã… gây ra các vết bầm, phù nề, sưng đau.
Khi bị chấn thương, nếu người bệnh bị nhẹ được xử lý ban đầu đúng cách sẽ giúp tổn thương nhanh hồi phục. Ngược lại, việc điều trị sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chức năng của khớp, khó khăn trong điều trị và vận động, sinh hoạt.
Với trật khớp vai, tùy theo chấn thương nặng hay nhẹ phương pháp điều trị có thể là nắn lại rồi băng bất động khoảng hai đến bốn tuần, hoặc phẫu thuật điều trị trật khớp vai lâu ngày hoặc trật khớp vai tái đi tái lại.
Trường hợp của anh cần thêm thời gian để hồi phục, trong quá trình đó cần băng ép đúng cách, hạn chế tối đa vận động khớp vai để tránh tạo thêm lực lên khớp. Chưa kể đến cơ, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu quanh khớp vai có thể bị ảnh hưởng nặng hơn so với ban đầu.
Nếu anh cảm thấy cơn đau ngày một nhiều, khó chịu hay các triệu chứng bất thường, nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám lại.
Trong thời gian này, người bệnh, nhất là người có bệnh nền tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống bởi dễ bị các tác dụng phụ, cũng không sử dụng các phương pháp dân gian như đắp lá thuốc, bóp dầu nóng… vì có thể gây bỏng da, làm cho vết thương sưng, phù nặng nề hơn.
Theo phụ nữ TPHCM