Đau khớp gối do nhiều nguyên nhân
Đau khớp gối là một bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mức độ nghiêm trọng ở mỗi người khác nhau.
Thông thường đau khớp gối do tình trạng thoái hóa khớp bởi đây là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể gây ra tổn thương sụn và xương dưới sụn đầu gối, làm giảm thiểu lượng dịch khớp, gây đau đầu gối.
Tuy nhiên đau khớp gối còn có thể do tai nạn sinh hoạt hoặc tập thể thao sai cách. Tình trạng đau khớp gối do chấn thương nếu ngã, va đập… khiến xương bánh chè bị trật khỏi vị trí ban đầu dẫn đến sưng đau cũng rất hay gặp.
Ghi nhận cho thấy, đau khớp gối còn do thói quan sinh hoạt không khoa học, lười vận động, ngồi lâu một chỗ, thói quen hay ngồi xổm… làm tăng nguy cơ đau đầu gối kéo dài.
Các bệnh lý như: Viêm khớp dạng thấp, bệnh gout… cũng có thể dẫn đến tình trạng đau khớp gối. Khi tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, gây ra đau nhức, cứng khớp gối.
Mặt khác bệnh gout chính là rối loạn chuyển hóa tăng axit uric trong máu gây ra chèn ép dây thần kinh cảm giác trong các khớp chân, trong đó có khớp đầu gối.
Đôi khi khớp gối có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến sưng, đau và đỏ. Viêm khớp nhiễm trùng thường xảy ra với sốt và thường không có chấn thương trước khi bắt đầu đau. Viêm khớp nhiễm trùng có thể nhanh chóng gây ra tổn thương rộng rãi cho sụn đầu gối. Nếu bị đau đầu gối kèm theo bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Đau khớp gối cần làm gì?
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Việc chẩn đoán tìm đúng nguyên nhân sẽ giúp các bác sĩ lựa chọn điều trị phù hợp.
Người bệnh có thể được chỉ định uống thuốc như thuốc giảm đau (paracetamol, acetaminophen); thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (aspirin, diclofenac, ibuprofen, naproxen) để giúp giảm đau và điều trị các tình trạng gây đau đầu gối như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout.
Vật lý trị liệu có thể sẽ được tiến hành nhằm tăng cường các cơ xung quanh đầu gối sẽ giúp ổn định hơn. Nếu bệnh nhân đang vận động hoặc luyện tập một môn thể thao, có thể cần các bài tập để điều chỉnh kiểu chuyển động có thể ảnh hưởng đến đầu gối và thiết lập kỹ thuật tốt trong khi chơi thể thao hoặc hoạt động. Các bài tập để cải thiện tính linh hoạt và thăng bằng cũng rất quan trọng.
Trong những điều kiện nhất định, các loại đệm khác nhau có thể được sử dụng để giúp bảo vệ và nâng đỡ khớp gối.
Đau khớp gối có nên đi bộ không?
Thực tế cho thấy đi bộ là một hình thức vận động nhẹ nhàng tạo nên dịch khớp nuôi dưỡng sụn, đồng thời giúp bôi trơn khớp gối, giảm tình trạng khô khớp, ngăn ngừa cứng khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đi bộ đúng cách giúp giảm đau rõ rệt, tốt cho người đang bị cứng khớp hoặc viêm khớp gối.
Ngoài ra, đi bộ còn giúp duy trì khối lượng cơ, tăng tính linh hoạt của xương khớp, hỗ trợ giảm cân hiệu quả, giảm áp lực đè nén lên đầu gối, nhờ vậy cơn đau cũng được cải thiện.
Nếu đầu gối đau không thể đi bộ được, thì có thể lựa chọn những bộ môn khác như bơi lội hoặc tập dưỡng sinh và không nhất thiết phải đi bộ. Bởi đi bộ có thể khiến tình trạng đau khớp gối nhiều hơn.
Tốt hơn hết, trước khi đi bộ hay luyện tập cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp và xây dựng chế độ luyện tập phù hợp, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối hoặc trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý này.
Tóm lại: Đau khớp gối là vấn đề thường gặp, có thể xảy ra bất kỳ ai, mọi lứa tuổi. Bởi vậy, khi cơn đau kéo dài hoặc có các triệu chứng đi kèm thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Việc chẩn đoán bệnh về khớp gối phải được kiểm tra lâm sàng trước để xác định người bệnh có nguy cơ mắc phải các bệnh lý nặng hay không, sau đó sẽ chụp X-quang, làm các xét nghiệm (máu, nước tiểu, dịch khớp), chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ, siêu âm,... Do vậy, người bệnh không nên tự điều trị, điều trị theo mách bảo hoặc chủ quan tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
|