Cụ thể, khi thời tiết nắng nóng, việc đi ngoài nắng kéo dài, không bù nước hay có các biện pháp che chắn, cơ thể sẽ bị mất nước mất nhiệt, dẫn đến thay đổi huyết áp, gia tăng nguy cơ đột quỵ. Khi ở trong phòng máy lạnh, để chế độ nhiệt độ thấp, đặc biệt nếu cơ thể nằm lạnh một đêm dài, sẽ dẫn đến các thay đổi về co giãn mạch máu, yếu tố huyết áp, thay đổi nhịp tim. Nếu đột xuất đi từ ngoài trời nóng vào phòng lạnh hoặc ngược lại, sẽ rất nguy hiểm vì chức năng đáp ứng tim mạch của cơ thể bị thay đổi đột ngột.

Đâu là những thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ? - ảnh 1

Mọi người cần tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, tránh ngồi nhiều một chỗ, để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý khác

SHUTTERSTOCK

Người bình thường khỏe mạnh thì có thể chỉ khó chịu, mệt, hoặc dễ cảm nhưng đối với những người đang mắc các bệnh huyết áp, tiểu đường, hoặc mạch máu có hẹp, xơ vữa hay mạch máu đang yếu, có túi phình, thì rất dễ xảy ra đột quỵ, nhồi máu hoặc xuất huyết.

Bác sĩ Thắng cho hay: Đột quỵ do bất kỳ nguyên nhân nào cũng xuất hiện những triệu chứng giống nhau. Trong đó, 3 triệu chứng phổ biến nhất là: miệng méo xệch qua một bên; yếu tay, chân; rối loạn lời nói, nói không rõ, như bị ngọng. Bác sĩ khuyến cáo chỉ cần có ít nhất 1 triệu chứng trên, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, đặc biệt nếu các tình trạng này xảy ra đột ngột.

Theo bác sĩ, tất cả mọi người đều có nguy cơ đột quỵ. Người càng lớn tuổi nguy cơ càng cao. Nam giới thường bị nhiều hơn nữ giới. Có những yếu tố nguy cơ chúng ta có thể điều chỉnh được, trong đó quan trọng nhất là tăng huyết áp, nếu điều trị tốt sẽ giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm soát tốt các bệnh như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch đặc biệt là rung nhĩ. Thói quen ít vận động, ngồi nhiều một chỗ, chế độ ăn mặn, nhiều chất béo, thiếu rau xanh cũng làm tăng nhanh nguy cơ đột quỵ.

Theo Thanh niên