Đau lưng ngày càng gia tăng ở bệnh nhân COVID-19 sau khi hồi phục
Cập nhật lúc 17:15, Thứ bảy, 17/07/2021 (GMT+7)
Theo báo cáo, nhiều bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 đang gặp các triệu chứng hậu COVID-19, trong đó có chứng đau lưng dai dẳng.
Các bác sĩ ở Ấn Độ nhận thấy ngày càng gia tăng số lượng bệnh nhân tìm kiếm lời khuyên y tế vì chứng đau lưng dai dẳng nhiều tuần sau khi hồi phục COVID-19 hoàn toàn. Tuy nhiên, đau lưng không phải là một triệu chứng “cổ điển” của bệnh lây nhiễm này.
Theo Tiến sĩ Nipun Bajaj, bác sĩ chuyên khoa Cột sống tại Bệnh viện Apollo Spectra, Nehru Enclave, Delhi (Ấn Độ), đau lưng dai dẳng rất phổ biến ở những người trẻ tuổi làm việc tại nhà ngay cả sau khi khỏi bệnh COVID-19. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn cả tâm trạng của họ.
Được biết, mặc dù đau lưng cơ học là bệnh lý phổ biến nhất, các vấn đề tâm lý, bệnh lý và thoái hóa đĩa đệm cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chứng đau lưng dai dẳng.
Cách khắc phục chứng đau lưng sau hồi phục COVID-19
Các chuyên gia cho biết điều trị kịp thời và áp dụng lối sống lành mạnh là chìa khóa để thoát khỏi chứng đau lưng.
Những người mắc COVID-19 nhẹ và sau hồi phục cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu một chỗ, tránh nâng vật nặng, uống nhiều nước và duy trì tỷ lệ chiều cao - cân nặng hợp lý.
40% bệnh nhân hồi phục sau khi mắc COVID-19 gặp các triệu chứng hậu COVID-19
Một cuộc khảo sát của các bệnh viện thuộc Viện tiêu hóa Châu Á (AIG) ở thành phố Hyderabad (Ấn Độ) gần đây cho thấy hơn 40% bệnh nhân đã hồi phục sau COVID-19 vẫn có các triệu chứng hậu COVID cấp tính, bao gồm suy nhược và mệt mỏi. Nhiều bệnh nhân cũng cho biết các triệu chứng mới hơn như mất ngủ, trong khi một số người khác lại gặp các vấn đề về tâm thần kinh. Cuộc khảo sát bao gồm hơn 30 triệu bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe trong nước.
Tiến sĩ D Nageshwar Reddy, Chủ tịch Bệnh viện AIG, tin rằng có một số mối tương quan giữa việc sử dụng steroid không hợp lý và các biến chứng sau COVID-19.
Theo hướng dẫn, steroid chỉ được dùng cho những bệnh nhân COVID-19 cần thở oxy. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân được khảo sát, 74% bệnh nhân nhập viện được dùng steroid trong quá trình điều trị COVID-19 nhưng trong số đó chỉ có 34% bệnh nhân cần oxy. Tiến sĩ Reddy cũng lưu ý sẽ cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn để xác định mối liên hệ đó.
Các triệu chứng sau COVID-19 được báo cáo ở trẻ em
Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng đang gặp các triệu chứng sau COVID-19. Theo các bác sĩ ở Delhi (Ấn Độ), những đứa trẻ đã từng chiến đấu với bệnh COVID-19 hiện đang đến bệnh viện với các triệu chứng sau COVID như các vấn đề về dạ dày, đau đầu, chứng sương mù não và khó thở.
Các bác sĩ tại các bệnh viện tư nhân trong thành phố cũng nhận thấy những lời phàn nàn về MISC (hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em), cũng như quá trình hồi phục chậm trễ sau hồi phục COVID-19.
Tiến sĩ Shuchin Bajaj, Người sáng lập-Giám đốc Tập đoàn Bệnh viện Ujala Cygnus, thông tin rằng chứng sương mù não sau COVID-19 khiến trẻ em không thể nhớ những gì chúng đã học, kiệt sức, căng thẳng và lo lắng. Cha mẹ có thể nhầm lẫn những triệu chứng này với việc trẻ viện cớ để không học hoặc tham gia các lớp học trực tuyến.
Theo Tiến sĩ Rahul Nagpal, Giám đốc Khoa Nhi, Bệnh viện Fortis Vasant Kunj, một số trẻ vị thành niên đang bị đau đầu sau khi hồi phục COVID-19.
Dẫn lời bác sĩ Nameet Jerath, Chuyên gia tư vấn cấp cao, Chăm sóc đặc biệt cho Nhi khoa, Bệnh viện Indraprastha Apollo, New Delhi (Ấn Độ): “Ngay cả những trẻ không có triệu chứng cũng bị sốt nhẹ kéo dài, suy nhược, đau đầu ngay cả khi đã hồi phục”./.
Theo vov