Khi loãng xương, hiện tượng xẹp đốt sống có thể gây ra bởi những tác động rất nhỏ người bệnh không để ý và chủ quan. Chính vì vậy, khi có biểu hiện đau lưng tăng dần thì cần cảnh giác với bệnh lý này.

Theo ước tính ở Việt Nam hiện có hơn 2,8 triệu người bị loãng xương trong đó phụ nữ chiếm đến 76% và hàng năm có trên 170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, 25.600 trường hợp gãy cổ xương đùi. Hiện nay, số phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy xẹp đốt sống chiếm hơn 23%.

photo-1701160783139

Hình ảnh xương bình thường và hình ảnh loãng xương.

Vì sao loãng xương gây xẹp đốt sống?

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích dẫn đến giòn xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Loãng xương được chia làm 2 loại:

– Loãng xương nguyên phát: không tìm thấy căn nguyên nào, do tuổi tác và/hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ.

– Loãng xương thứ phát: do các nguyên nhân như các yếu tố cơ học, di truyền, thiếu canxi, Vitamin D, sử dụng corticoid, heprin kéo dài…

Có nhiều nguyên nhân gây xẹp đốt sống như chấn thương, loãng xương, ung thư di căn cột sống, u mạch máu thân sống… tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là loãng xương.

Đối với bệnh nhân có loãng xương nặng những hoạt động gây tăng áp lực lên cột sống như hắt hơi mạnh, mang vác vật nặng là những nguyên nhân chính gây xẹp đốt sống.

Xẹp đốt sống do ung thư di căn thường gặp không liên quan tới chấn thương hoặc chỉ những chấn thương nhẹ, lúc này những tế bào ung thư di căn tới xương làm phá hủy cấu trúc xương dẫn tới xẹp đốt sống.

Yếu tố nguy cơ loãng xương gây xẹp đốt sống là phụ nữ tuổi mãn kinh sẽ có tình trạng loãng xương tiến triển nhanh hơn nên dễ bị xẹp đốt sống.

Khi loãng xương, hiện tượng xẹp đốt sống có thể gây ra bởi những tác động rất nhỏ người bệnh không để ý và chủ quan như: Ngã dồn theo phương thẳng đứng: ngã từ trên cao, vác gánh nặng, ngã ngồi đập mông, trượt chân ngã… Động tác xoắn vặn, nghiêng, cúi, ngửa quá mức, hoặc thậm chí những cử động xoắn vặn rất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày.

Chấn thương trực tiếp vào cột sống. Theo nghiên cứu có khoảng 2/3 bệnh nhân loãng xương không có triệu chứng hoặc không được chẩn đoán cho tới khi có dấu hiệu phát hiện trên X-quang hoặc đến khám vì các nguyên nhân khác.

Ngoài ra, những người có thể trạng kém như còi xương, suy dinh dưỡng, các bệnh lý nền gây ảnh hưởng tới phát triển của xương, hệ tạo máu. Người có tiền sử gia đình bị loãng xương; Người ít chơi thể thao, ít vận động ngoài trời; Sử dụng các chất kích thích: bia, cà phê, thuốc lá…. cũng dễ bị căn bệnh này.

Biểu hiện xẹp đốt sống do loãng xương như thế nào?

  • Đau cột sống tại vùng tổn thương.
  • Đau dai dẳng, tăng dần.
  • Hạn chế vận động do đau, người bệnh không thể ngồi, đứng dậy và đi lại được. Nhiều người bệnh không dám cử động do đau.
  • Đau có đỡ khi dùng thuốc giảm đau.
  • Giảm chiều cao, gù, vẹo cột sống, trượt đốt sống. Trường hợp nặng có thể chèn ép thần kinh dẫn đến yếu liệt vận động chân…
Đau lưng tăng dần cảnh giác với xẹp đốt sống do loãng xương- Ảnh 2.

Đau cột sống tại vùng tổn thương.

Để chẩn đoán xẹp đốt sống do loãng xương ngoài những biểu hiện lâm sàng, cần làm thêm những kỹ thuật cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán, đưa ra tiên lượng và có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Đo mật độ xương (DEXA) được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Loãng xương được chẩn đoán khi mật độ khoáng xương ≤ -2,5 độ lệch chuẩn dưới mức dân số phụ nữ trưởng thành khỏe mạnh (T-Score).

Chụp X-quang: Hình ảnh thân đốt sống giảm chiều cao, ngoài ra đánh giá mức độ thoái hóa cột sống, mức độ biến dạng cột sống…

Điều trị xẹp đốt sống do loãng xương

Tùy thuộc vào mức độ đốt sống bị xẹp, các tổn thương thần kinh kèm theo (nếu có) mà có các phương pháp điều trị phù hợp.

- Điều trị nội khoa được chỉ định trong trường hợp xẹp đốt sống mới không có tổn thương thần kinh kèm theo.

- Điều trị ngoại khoa chỉ định trường hợp xẹp đốt sống có tổn thương thần kinh. Xẹp thân đốt sống do loãng xương gây đau cột sống mức độ trung bình cho đến nặng kéo dài hơn 2 tháng không đáp ứng với điều trị bảo tồn.

Tóm lại: Xẹp đốt sống do loãng xương là trạng thái gãy xương siêu nhỏ trong đốt sống do lún ép các thân đốt sống gây nên bởi tình trạng mất chất xương từ từ, kín đáo. Vì vậy, khi có biểu hiện đau lưng tăng dần có thể sau một chấn thương nhẹ hoặc sau bê vật nặng hoặc cơn đau liên quan đến vận động, khi thay đổi tư thế, khi đi lại… cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

Để phòng ngừa xẹp đốt sống do loãng xương người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. Nên bổ sung các khoáng chất chứa giàu vitamin D, canxi và vitamin khác cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Theo suckhoedoisong.vn