Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra (vi khuẩn, virus, ô nhiễm không khí, hóa chất…) và có thể từ nhẹ đến nặng. Do đó, tùy thuốc vào nguyên nhân gây bệnh mà các phương pháp điều trị cũng khác nhau. Trên thực tế, không phải trường hợp đau mắt đỏ nào cũng cần điều trị y tế.
Việc phát hiện sớm và sử dụng các liệu pháp thích hợp là chìa khóa giúp bệnh khỏi nhanh, giảm thiểu tác hại tiềm ẩn hoặc lây truyền bệnh…
Đau mắt đỏ gây khó chịu nhưng là bệnh có thể phòng ngừa được.
1. Các bệnh mắt nào dùng corticoid?
Dexamethason là thành phần corticoid chủ yếu có trong các thuốc nhỏ mắt này, có tác dụng chống viêm, được sử dụng cho các tình trạng như:
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
- Viêm màng bồ đào
- Viêm bờ mi
- Viêm thượng củng mạc…
Dexamethason là chất kháng viêm rất mạnh, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bởi dùng đúng, sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối ưu. Trong một số trường hợp đau mắt đỏ, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng.
Trong các sản phẩm nhỏ mắt, dexamethasone thường được phối hợp với các thuốc kháng sinh như polymyxin, tobramycin, neomyxin hoặc chloramphenicol…
Một số sản phẩm thường gặp như: Polydexa, neodex, dexacol, collydexa…
2. Một số tai biến nguy hiểm khi lạm dụng corticoid tra nhỏ mắt
Các thuốc nhỏ mắt này được mua khá dễ dàng trong các nhà thuốc, với giá rất rẻ từ vài ngàn đồng trở lên đến vài chục ngàn đồng (tùy sản phẩm, nhà sản xuất, thuốc nội hay thuốc ngoại…).
Thuốc giúp giảm triệu chứng nhanh chóng nhờ đặc tính chống viêm nên bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về mặt triệu chứng, nên các thuốc này hay bị lạm dụng, mách bảo dùng... thậm chí dùng tra nhỏ thường xuyên để phòng ngừa bệnh hoặc tra nhỏ trong bất kỳ tình trạng về mắt nào.
Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây tai biến. Ví dụ, trong trường hợp viêm loét giác mạc do nấm hay Herpes, nếu tra nhỏ các sản phẩm này khiến bệnh nặng hơn, có thể dẫn tới thủng giác mạc.
Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (một tình trạng có khả năng gây mù)… Các tai biến này càng đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em.
Việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc...
3. Phòng và trị đau mắt đỏ như thế nào?
Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo khuyến cáo của bác sĩ để giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thường do virus gây ra, rất dễ lây lan và có thể thành dịch. Adenovirus là tác nhân chính trong phần lớn các trường hợp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do vi khuẩn. Trẻ em thường gặp do vi khuẩn nhiều hơn ở người lớn.
Viêm kết mạc trong dịch bệnh hiện nay là bệnh tự giới hạn và có thể hồi phục sau một đến hai tuần. Việc nghỉ ngơi, vệ sinh tay và mặt là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Tuy nhiên, nhiễm trùng thứ phát có thể hiếm khi xảy ra và làm chậm quá trình phục hồi. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mắt.
Người bệnh không tự ý mua dùng các thuốc có chứa corticoid, trừ khi được bác sĩ nhãn khoa khuyên dùng về các chỉ định cụ thể.
Các triệu chứng chính khi đau mắt là: Đỏ và sưng mắt, chảy mủ màu vàng, kích ứng mắt và đau. Bệnh có xu hướng lây lan dễ dàng trong môi trường có độ ẩm cao hơn. Trẻ em đang đi học đặc biệt dễ bị viêm kết mạc trong mùa này.
Thuốc nhỏ bôi trơn làm dịu mắt và giúp giảm triệu chứng, đồng thời chườm lạnh cũng làm giảm kích ứng và ngứa ở mắt. Những người bị viêm kết mạc đang hoạt động có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để giúp giảm chứng sợ ánh sáng và ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.
Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ:
- Rửa tay thường xuyên: Thực hành vệ sinh tay tốt bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh chạm vào mắt: Tránh chạm vào mắt bằng tay chưa rửa sạch vì điều này có thể đưa vi khuẩn hoặc vi rus vào mắt.
- Chăm sóc y tế kịp thời: Nếu bạn gặp các triệu chứng ban đầu của viêm kết mạc như đỏ, chảy nước mắt hoặc đau… nên đi khám để được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp.
- Vật dụng cá nhân: Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo, gối hoặc ga trải giường với người khác, vì viêm kết mạc có thể lây lan qua các vật dụng thường chạm vào.
- Tránh dùng chung thuốc nhỏ mắt: Ngay cả khi nhiều thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi viêm kết mạc, điều quan trọng là không dùng chung thuốc nhỏ mắt vì sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền.
- Bảo vệ đôi mắt: Nếu bạn đã mắc bệnh viêm kết mạc, hãy cân nhắc việc đeo kính hoặc tấm che mặt để ngăn ngừa nhiễm trùng lây sang người khác.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt được khuyên dùng: Làm theo lời khuyên của bác sĩ và sử dụng thuốc theo chỉ định để giảm bớt triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
|
Theo suckhoedoisong.vn