Đau mắt đỏ có thể bị lại không?
Cập nhật lúc 22:16, Thứ năm, 14/09/2023 (GMT+7)
Nhiều người nghĩ rằng đã bị đau mắt đỏ sẽ không bị lại, tuy nhiên theo chuyên gia quan niệm này là sai lầm, dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 1, Lê Đức Quốc, khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cho biết cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời đối với bệnh đau mắt đỏ, nghĩa là với những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị lại sau vài tháng khỏi bệnh. Vì vậy, dù đã từng hoặc chưa từng bị đau mắt đỏ thì chúng ta vẫn cần chú ý trong việc phòng ngừa bệnh để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ đa phần do vi rút gây ra, thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau 7-14 ngày nếu chăm sóc đúng cách.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn như đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng... phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Ngoài ra, trường hợp người bệnh đau mắt đỏ do bội nhiễm vi khuẩn, nên đến cơ sở y tế khi có các triệu chứng như chảy nhiều ghèn vàng hoặc ghèn màu vàng xanh, đỏ, ngứa, chảy nhiều nước mắt… để được các bác sĩ nhãn khoa điều trị kịp thời tránh biến chứng ảnh hưởng đến giác mạc như viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa.
Tỷ lệ biến chứng do đau mắt đỏ là 1,65%
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 5.9 tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 71.740 lượt khám chữa bệnh do viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022 (58.853 ca). Trong số này có hơn 1.011 ca đau mắt đỏ có biến chứng, chiếm 1,41% (cùng kỳ năm 2022 có 892 ca biến chứng, chiếm 1,52%). Các biến chứng của bệnh đau mắt đỏ thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh đau mắt đỏ trong 8 tháng năm 2023 là 23.873 ca, chiếm 33,3% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,5%). Trong đó có 298 ca biến chứng, chiếm 1,65%.
|
Theo Thanh niên