Biểu hiện cơn đau thắt ngực

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực và phần lớn liên quan đến vấn đề tim hoặc phổi. Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo điển hình bệnh mạch vành, có 90% cơn đau ngực là do hẹp động mạch vành. Khi quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự tích tụ từ các mảng bám vào lòng mạch, làm thành mạch dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi và làm giảm lượng máu đến cơ tim. Lúc này, tim buộc phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, từ đó gây đau thắt ngực.

Có 2 loại đau thắt ngực: cơn đau thắt ngực ổn định (Hội chứng bệnh mạch vành mạn tính) và cơn đau thắt ngực không ổn định (Hội chứng động mạch vành cấp tính).

Phân biệt đau thắt ngực ổn định - không ổn định | Vinmec

Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện khi gắng sức.

Với nhiều bệnh nhân, cơn đau thắt ngực có biểu hiện như thắt lại, bó nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát. Một số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu buồn nôn, vã mồ hôi. Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút (3-5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).

Vị trí cơn đau thắt ngực thường gặp ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Hay gặp hơn cả là hướng lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4,5.

Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện khi gắng sức, cảm xúc mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm hoặc biến mất trong vài phút khi các yếu tố trên giảm.

Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp tim nhanh.

Khi bị đau thắt ngực ổn định cần làm gì?

Đau thắt ngực ổn định xuất hiện khi cơ tim đang thiếu máu, do đó, người bệnh cần ngay lập tức thực hiện như sau:

  • Nghỉ ngơi ngay lập tức, dừng mọi hoạt động hiện tại, nằm nghỉ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, đầu gối nâng cao, nới lỏng quần áo và giữ ấm cho cơ thể.
  • Có thể giảm cơn đau bằng cách tiếp tục sử dụng thuốc giãn mạch.
  • Nếu sau khi sử dụng thuốc giãn mạch được 20 phút mà các cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện cấp cứu để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Phòng ngừa đau thắt ngực ổn định

Việc phòng ngừa đau thắt ngực ổn định là vô cùng cần thiết và quan trọng. Một số biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc từ những người xung quanh).
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo (thịt màu đỏ, nội tạng động vật, da, óc tủy động vật, lòng đỏ trứng, mỡ, lòng lợn…).
  • Giảm muối, giảm đường.
  • Tập luyện thể dục mỗi ngày 30 phút với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga… Tập với mức độ gắng sức vừa phải, tăng dần cường độ và mức độ theo thời gian.
  • Cân nặng khỏe mạnh tối ưu: Đạt và duy trì cân nặng tối ứu ( BMI<25kg/m2) hoặc giảm cân bằng cách giảm lượng ăn vào theo khuyến cáo và hoạt động thể chất.
  • Theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
  • Tránh lo lắng, căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc.
  • Đối với bệnh nhân đau thắt ngực ổn định, không có triệu chứng thì hoạt động tình dục cần ở mức độ thấp hoặc vừa phải.
  • Khám chuyên khoa tim mạch định kỳ (3 tháng – 6 tháng - 12 tháng) và thực hiện nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ điều trị.

Theo suckhoeodoisong.vn