Để kiểm soát cholesterol, mọi người nên ưu tiên dùng những loại dầu thực vật sau:
Dầu ô liu
Khi bạn đang muốn giảm mức cholesterol trong máu thì dầu ô liu là lựa chọn rất tốt. Loại dầu thực vật này có màu xanh lục của trái ô liu và có nhiều chất béo không bão hòa đơn (axit oleic). Loại axit này chiếm gần 3/4 thành phần dầu ô liu và có khả năng giảm viêm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Không những vậy, dầu ô liu còn được chứng minh là có thể làm giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL). Đây là loại cholesterol có hại, làm tăng nguy cơ gây tắc nghẽn động mạch và bệnh tim.
Dầu bơ
Trái bơ chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chất chống ô xy hóa và chất béo thực vật có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Do đó, loại dầu thực vật làm từ trái bơ cũng có tác dụng tương tự. Lợi ích này có được là nhờ bơ rất giàu axit oleic.
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy dầu bơ có thể làm giảm cholesterol LDL có hại và chống viêm nhiễm. Đây đều là những tác động rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài giúp giảm cholesterol, một nghiên cứu công bố trên chuyên san Nutrition cho thấy dầu bơ còn có tác dụng dụng giảm khoảng 20% huyết áp các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Giảm huyết áp cùng với giảm cholesterol sẽ giúp ngăn ngừa đau tim và đột quỵ.
Dầu đậu nành
Dầu đậu nành chứa nhiều a xít béo không bão hòa đa có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Nếu dùng ở mức độ vừa phải, dầu đậu nành sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu trên chuyên san PLOS Medicine cho thấy việc ngưng dùng các loại chất béo bão hòa, vốn có nhiều trong thịt và mỡ động vật, bằng các loại chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Dầu hạt lanh
Dầu hạt lanh cũng là một loại dầu thực vật khác rất tốt cho sức khỏe. Lợi ích này có được là nhờ dầu hạt lanh có nhiều axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3 có thể cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong các mạch máu.
Không những vậy, ALA còn giúp giảm cholesterol LDL có hại nếu tiêu thụ mức độ vừa phải. Những tác động này giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Dù dầu hạt lanh không phù hợp để dùng chế biến nhưng hoàn toàn có thể cho vào sinh tố hay các món rau trộn, theo Healthline.
Theo Thanh niên