Vậy nam giới bị đau ở tinh hoàn do đâu? Điều này cảnh báo những bệnh gì?
Tinh hoàn bị đau thường rất khó để xác định được nguyên nhân một cách chính xác bởi biểu hiện của cơn đau khá mơ hồ và không rõ ràng, một phần do cơ quan này khá là nhạy cảm nên không dễ để tìm ra yếu tố gây nên cơn đau.
1. Đau tinh hoàn do bệnh lý
Viêm mào tinh hoàn: Đau và sưng là những dấu hiệu phổ biến nhất và triệu chứng của viêm mào tinh hoàn. Đau do viêm mào tinh hoàn thường đau liên tục và kèm theo các triệu chứng như sốt, da vùng bìu có thể đỏ, sờ thấy mào tinh hoàn sưng to và nắn nhẹ rất đau. Đau khi giao hợp hay xuất tinh. Dương vật bị đau, đau bụng dưới, khi đi bộ hoặc đứng cảm giác đau rõ rệt hơn.
Xoắn tinh hoàn: Là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi bị chấn thương bìu, do hoạt động thể chất và khi ngủ.
Các triệu chứng như sau: cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ, bìu sưng to, buồn nôn và nôn, đau bụng, một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường. Khi chạm vào tinh hoàn cảm giác đau rõ hơn. Trong lúc ngủ mà tinh hoàn bị đau dữ dội thì đó là dấu hiệu đầu tiên của bệnh xoắn tinh hoàn.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn: Triệu chứng gần giống viêm tuyến tiền liệt cấp tính nhưng kéo dài và có thể có các biểu hiện của biến chứng: Đau tinh hoàn, đau vùng bìu bẹn, tiểu nhiều lần liên tiếp. Nước tiểu đục, có thể có máu. Giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh. Bệnh nhân chủ yếu là thanh niên, hiếm gặp ở người cao tuổi.
Đau và sưng là những dấu hiệu phổ biến nhất và triệu chứng của viêm mào tinh hoàn. Ảnh minh họa.
Thoát vị bẹn: Các triệu chứng của thoát vị bẹn bao gồm: Phình một hoặc hai bên bẹn bìu, có thể tăng nhiều khi ho, hoặc đứng lên và biến mất khi nằm xuống. Hoặc có thể thấy bìu bị sưng đỏ; cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt là khi nâng vác vật nặng, tập thể thao. Cơn đau có thể được cải thiện khi nghỉ ngơi.
Nếu như nghỉ ngơi mà không hết đau, khối phình không tự trở lại vào bụng, có nghĩa khối thoát vị đã bị nghẹt, phải phẫu thuật khẩn cấp. Những người có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là: người luống tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài do áp lực thường xuyên tại ổ bụng cao....
Ngoài ra, những người mắc các bệnh như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc... có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn hơn những người bình thường.
GIãn tĩnh mạch thừng tinh: Cảm giác đau không nhiều mà chủ yếu là kiểu đau tức. Người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chủ yếu bị đau nhẹ hoặc có cảm giác nặng ở vùng bìu, đau nhiều hơn vào buổi chiều tối, sau khi ngồi nhiều, đứng lâu hoặc làm việc nặng.
Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bệnh nhân có thể thấy có khối phồng ở góc trên bìu. Hiện tượng này xuất hiện do tĩnh mạch giãn to nổi dưới da.Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây vô sinh nam, ảnh hưởng tới việc sản xuất tinh trùng, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh.
2. Đau do bị chấn thương
Một cú đấm hay đạp trực tiếp vào bìu, hoặc một va chạm bất ngờ vào hạ bộ sẽ gây chấn thương tinh hoàn và mang tới những cơn đau đớn tột bậc cho chủ nhân. Đau tinh hoàn cũng có thể do những hành động quá mạnh bạo trong khi quan hệ tình dục, tư thế không phù hợp. Những người thường xuyên phải di chuyển nhiều (lái xe hoặc ngồi sau xe), nhất là đi xe đạp trong một thời gian dài hay trên những địa hình không bằng phẳng có thể bị đau tinh hoàn.
Đau tinh hoàn cũng có thể do những hành động quá mạnh bạo trong khi quan hệ tình dục, tư thế không phù hợp.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
Trong đa số trường hợp, đau tức vùng tinh hoàn có khi chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường do sự cương cứng của dương vật thường xuyên hay có cảm giác muốn phóng tinh, nhất là vào buổi sáng sớm.
Để đề phòng và chủ động xử trí trường hợp bệnh lý, khi bị đau tinh hoàn cần lưu ý:
- Không làm việc nặng nhọc, hoặc phải gắng sức.
- Dừng hẳn việc chơi thể thao nhất là các môn đòi hỏi vận động ở cường độ cao.
- Cần theo dõi cơn đau giảm dần hay tăng dần theo thời gian. Nếu cơn đau tăng hoặc đau âm ỉ và lặp đi lặp lại thì cần chủ động tới gặp bác sĩ nam khoa để được điều trị kịp thời.
- Khi mới chơi thể thao, không nên chơi ngay các môn đòi hỏi nhiều thể lực, mà phải lượng sức để tăng dần cường độ. Cần tránh mọi va chạm mạnh dễ dẫn đến chấn thương cho cơ thể nhất là vùng hạ bộ.
Theo suckhoedoisong.vn