Cứ 2 phút lại có 1 sản phụ tử vong do biến chứng khi sinh
Theo Liên hợp quốc, mặc dù tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu đã giảm 34% vào năm 2020, khu vực châu Phi cận Sahara vẫn chiếm khoảng 70% tổng số ca tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu.
Hiện cứ 2 phút lại có 1 bà mẹ ở khu vực này tử vong do các biến chứng khi sinh nở và cứ mỗi phút lại có 1 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được.
Từ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, thực tế khắc nghiệt về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em vẫn là vấn đề cấp thiết đối với châu Phi.
Các yếu tố như: Hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, cơ sở hạ tầng không đủ, nghèo đói và rào cản văn hóa xã hội, đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế và vật tư y tế càng cản trở những nỗ lực cải thiện vấn đề.
Sự tồn tại dai dẳng của những thách thức này đặt ra nhu cầu cấp thiết về các chiến lược toàn diện và đầu tư nhiều hơn để nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên khắp "lục địa đen". Giải quyết những vấn đề nêu trên được đánh giá là bước quan trọng hướng tới đảm bảo tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn cho châu Phi.
Các khoản đầu tư vào các chương trình đào tạo nhân viên y tế cộng đồng ở Ethiopia, Liberia và Kenya đã trao quyền cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng của họ.
Công nghệ và hệ thống dữ liệu tiên tiến đã cách mạng hóa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép việc theo dõi và quản lý hiệu quả hơn các dịch vụ y tế. Các hệ thống giám sát hiện đại, có khả năng xác định nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ em và bà mẹ, đã nâng cao nhận thức, giúp đưa ra các biện pháp can thiệp có mục tiêu.
Những tiến bộ này là bước quan trọng hướng tới việc thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em trên khắp châu Phi.
Lợi ích của việc mở rộng đầu tư vào sức khoẻ phụ nữ
Các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bà mẹ đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở bà mẹ, giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Các khoản đầu tư này cũng mở ra "cánh cửa" cho các cơ hội kinh tế và trao quyền cho phụ nữ, cho phép họ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, theo đuổi giáo dục và thúc đẩy tăng trưởng của cộng đồng.
Những cải tiến, bao gồm phương pháp Carbetocin ổn định nhiệt độ để phòng ngừa xuất huyết sau sinh ở những nơi có nguồn lực hạn chế như Sierra Leone, cho thấy tác động của các biện pháp can thiệp có mục tiêu giúp cứu sống người. Phương pháp Kangaroo và tăng cường chăm sóc sản khoa khẩn cấp tại Siaya (Tây Kenya) là ví dụ khác nhấn mạnh sức mạnh của các biện pháp can thiệp tại cộng đồng.
Những nỗ lực này đã nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, trang bị cho phụ nữ kiến thức và nguồn lực để đưa ra quyết định sáng suốt về vấn đề sức khỏe của mình.
Ưu tiên đầu tư vào sức khỏe trẻ em hỗ trợ việc thực hiện các ưu tiên trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU) vì những khoản đầu tư này mang lại lợi ích lớn và bảo vệ tương lai của trẻ em và thanh thiếu niên.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nâng cao như giáo dục sức khỏe tình dục và sức khoẻ sinh sản; các biện pháp can thiệp sớm đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ. Các chương trình đã củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.
Ngoài ra, các biện pháp can thiệp có thể dẫn đến dinh dưỡng tốt hơn, cải thiện tình trạng chậm phát triển ở trẻ. Khi trẻ em trở nên khỏe mạnh hơn và có năng lực hơn, triển vọng học tập và cá nhân của các em sẽ được cải thiện, tạo tiền đề cho tương lai bền vững của châu Phi.
Ủy ban Y tế toàn cầu Lancet về đầu tư vào sức khỏe dự báo, các khoản đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em có thể tạo ra 3,8 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế toàn cầu vào năm 2035. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi USD đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em có thể tạo ra 7 USD lợi tức kinh tế nhờ chi phí chăm sóc sức khỏe giảm, năng suất lao động tăng và thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn.
Sức khỏe được cải thiện cũng góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Liên hợp quốc lưu ý rằng, sức khỏe tốt hơn có thể thúc đẩy tiềm năng kiếm tiền của phụ nữ lên 20% mỗi năm. Ngoài ra, chi tiêu toàn cầu hiện nay cho kế hoạch hóa gia đình đã tiết kiệm được 5,6 tỷ USD cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Việc đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự thịnh vượng trên khắp châu Phi. Những thách thức hiện tại của châu lục này về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các giải pháp toàn diện để đẩy nhanh tiến độ giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, qua đó, đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn, thịnh vượng hơn cho châu Phi.
Nhu Thụy/Nguồn: weforum.org