Phụ nữ từ 25 đến 60 tuổi thường hay đau vú vì tổn thương u xơ - nang vú

Đau vú cả hai bên, có chu kỳ, nghĩ đến tác dụng của estrogen. Nếu chỉ đau một bên vú nhưng có chu kỳ đau, nghĩ đến tổn thương u xơ - nang. Cũng đau một bên, không có chu kỳ đau, nên nghĩ đến viêm vú hay khối u lành tính hoặc ác tính. Xem có hạch nách trên đòn cổ không? Da, núm vú có điều gì bất thường không? Ban đỏ có thể là dấu hiệu viêm vú hoặc dấu hiệu sớm của ung thư vú. Bầm máu, viêm có thể thứ phát sau chấn thương, nhiễm khuẩn, bệnh ngoài da hoặc ung thư.

Nếu đau vú kéo dài, không có chu kỳ, cần chụp X-quang vú dù khám không có khối u. Nếu chẩn đoán còn có nhiều nghi vấn, phải theo dõi sát bệnh nhân, làm các xét nghiệm bổ sung kịp thời, không quá một tháng (chụp X-quang vú, siêu âm vú, sinh thiết), khám xét nhiều lần.

Chẩn đoán

Ở phụ nữ chưa mãn kinh, vú là một cơ quan có những biến đổi sâu sắc do tác dụng của các hormone nội sinh. Kiểu đau vú thường gặp nhất là cảm giác căng tức vú ở một bên hay hai bên trước khi thấy kinh do tăng estrogen nhưng cũng có khi căng tức kéo dài cả trong khi hành kinh. Đây là kiểu đau vú “sinh lý” bình thường không cần phải điều trị. Đến tuổi mãn kinh, đau sẽ bớt đi nhiều hoặc mất hẳn.

Phụ nữ từ 25 đến 60 tuổi thường hay đau vú vì tổn thương u xơ - nang vú: Nắn vú thấy có nhiều cục cứng, có bờ rõ, di động, chủ yếu ở 1/4 trên ngoài vú. Thường là đau cả hai bên vú có tính chu kỳ theo vòng kinh, đau nhiều nhất vào thời gian trước khi thấy kinh. Đối với những trường hợp này nói chung không phải điều trị gì. Một số ít trường hợp đau nặng, bệnh nhân lo âu cần được khám kỹ và chụp X-quang tuyến vú để loại trừ một bệnh tiềm tàng rồi có thể cho dùng vitamin E, hormone (danazol hay kháng estrogen), thuốc giảm đau mạnh, phẫu thuật.

Ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, nếu đau vú không có chu kỳ, hoặc ở phụ nữ sau khi mãn kinh nếu bị đau vú thì nói chung là những trường hợp bệnh lý bao gồm viêm vú, u nang, chấn thương, ung thư. U nang lành tính, một số u ác tính ở vú có thể gây đau chứ không phải không gây đau như nhiều người vẫn lầm tưởng. Một số nguyên nhân ở ngoài vú gây đau vú là viêm rễ thần kinh cổ, hội chứng Tietze (là hội chứng sưng đau ở một hoặc nhiều sụn sườn, lành tự nhiên sau vài ngày, thường kết hợp với nhiễm khuẩn đường hô hấp, zona).

Điều trị

Đau vú do u ác tính (K) điều trị bằng ngoại khoa kết hợp hóa chất và tia xạ. Đau vú do những căn nguyên khác ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày sẽ bớt đau nếu ăn chế độ giảm mỡ, hạn chế dùng cà phê; dùng acid gamolenic, tùy trường hợp dùng biện pháp hormone (danazol, bromocriptin, tamoxifen).

GS Phạm Gia Cường

Theo phunuvietnam