1. Nguyên nhân và dấu hiệu đục thủy tinh thể

Theo ThS. Hà Hùng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đục thủy tinh thể là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài.

Đa số người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người lớn tuổi. Nguyên nhân do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Một vài nguyên nhân khác như rối loạn bẩm sinh hoặc do tai nạn, chấn thương và biến chứng của các bệnh lý toàn thân. Mắc các bệnh về chuyển hóa, bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Mắc các bệnh về mắt như glocom, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, giác mạc… Do tiếp xúc với tia cực tím, sử dụng thuốc điều trị gây tác dụng phụ cho mắt…

Đục thủy tinh thể diễn tiến từ từ và không gây đau đớn nên khó phát hiện. Chỉ đến khi người bệnh thấy thị lực giảm, nhìn mờ và xuất hiện các triệu chứng rối loạn thị giác (bị lóa mắt, cận thị hóa, nhìn thấy một vật thành hai hay nhiều hình), màu sắc đồng tử bị thay đổi… mới đi khám. Nếu bị biến chứng thì thấy các triệu chứng ở các bộ phận khác của nhãn cầu như mống mắt, đồng tử, giác mạc…

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, bạn nên ăn 4 loại thực phẩm này - Ảnh 2.

Hình ảnh mắt bị đục thủy tinh thể.

2. Có thể phòng ngừa đục thủy tinh thể được không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được như:

- Cần đi khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.

- Cần điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp.

- Điều trị sớm các bệnh tại mắt như glocom, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc…

- Hạn chế các yếu tố nguy cơ như tránh ánh sáng tia cực tím. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời.

- Đặc biệt, chế độ ăn uống lành mạnh, ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt; thường xuyên bổ sung vitamin C, E, A, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc; hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, bánh kẹo đồ ngọt, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu… cũng có tác dụng giúp phòng ngừa đục thủy tinh thể hiệu quả.

3. Một số thực phẩm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể

Mặc dù có một số yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Theo nghiên cứu, một số loại thực phẩm dưới đây có tác dụng tăng cường sức khỏe mắt, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thủy tinh thể.

3.1. Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu đóng nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là nó hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do, bảo vệ các mô của cơ thể.

Vitamin C cũng là một chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt, đặc biệt là khi có nguy cơ đục thủy tinh thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin C trong máu cao hơn có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Quả kiwi là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng với hơn 20 loại vitamin và khoáng chất. Đồng thời nó cũng có hàm lượng vitamin C cao nhất trong số các loại trái cây thường ăn.

Tương tự như kiwi, dâu tây chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tổng thể và cho mắt. Chỉ cần một cốc dâu tây là bạn đã có đủ lượng vitamin C cần thiết trong một ngày.

3.2. Trứng

Trứng là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng tự nhiên bao gồm cả protein chất lượng cao. Gần một nửa lượng protein của quả trứng và hầu hết các vitamin và khoáng chất của nó được tìm thấy trong lòng đỏ.

Đặc biệt, lòng đỏ trứng chứa zeaxanthin - một sắc tố carotenoid hỗ trợ sức khỏe của mắt.

Zeaxanthin có vai trò bảo vệ mắt khỏi tác hại của quá trình oxy hóa và tổn thương do ánh sáng gây ra. Nó được tìm thấy với hàm lượng cao trong các loại rau màu xanh đậm, trái cây màu vàng cam và lòng đỏ trứng.

Một chất dinh dưỡng quan trọng khác được tìm thấy trong trứng là vitamin A cũng rất tốt cho mắt. Như vậy, ăn trứng có thể cung cấp cả vitamin A cùng với zeaxanthin giúp bảo vệ sức khỏe của mắt và giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, bạn nên ăn 4 loại thực phẩm này - Ảnh 5.

Ăn trứng giúp bảo vệ sức khỏe mắt và giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể.

3.3. Cá hồi

Cá hồi là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng vì nó chứa nhiều protein chất lượng cao và các vi chất dinh dưỡng như selen và i-ốt. Cá hồi cũng là một trong những nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất trong các loại thực phẩm.

Ăn nhiều axit béo omega-3 có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Loại DHA omega-3 là axit béo chính tạo nên võng mạc của mắt (lớp mô ở phía sau mắt cảm nhận ánh sáng và truyền tín hiệu cho não để bạn có thể nhìn thấy).

DHA rất cần thiết trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú để hỗ trợ sự phát triển mắt khỏe mạnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh và hỗ trợ bảo vệ mắt trong suốt cuộc đời.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, bạn nên ăn 4 loại thực phẩm này - Ảnh 6.

Cá hồi giàu axit béo omega-3 giúp phòng bệnh đục thủy tinh thể.

3.4. Bí ngô

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống nhiều vitamin A và E có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể hơn.

Là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe mắt như vitamin E và A, bí ngô được coi là một thực phẩm tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Bí ngô có chứa lượng beta-carotene cao, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Beta-carotene là một loại caroten chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, nó giúp giữ cho tầm nhìn của bạn sắc nét bằng cách giúp võng mạc hấp thụ ánh sáng.

Vitamin A, lutein và zeaxanthin có thể bảo vệ thị lực, giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, nó có chứa một lượng vitamin C và E tốt, có chức năng như chất chống oxy hóa và có thể ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại cho các tế bào mắt.

Theo suckhoeodoisong.vn