1.Viêm amidan tái phát

Viêm amidan có hai thể viêm amidan cấp và viêm amidan mạn tính. Các đợt viêm cấp tính nếu không được điều trị xử lý kịp thời sẽ gây biến chứng tại amidan với các tổ chức mô xung quanh gây ra viêm amidan mạn.

Đặc biệt viêm amidan dễ tái phát lúc giao mùa, thay đổi thời tiết như hiện nay, khi ra ngoài lạnh quá lâu mà không bảo vệ giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ họng.

2.Biểu hiện lâm sàng của viêm amidan 

Viêm amidan cấp tính:

Bệnh hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các biểu hiện lâm sàng:

-Sốt cao đột ngột: đây là triệu chứng đầu tiên khi bắt đầu phát đợt viêm amidan cấp kèm theo đó là đau mỏi người, chán ăn.

-Đau đầu sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi: triệu chứng này rất dễ bị nhầm với cảm cúm.

-Đau rát họng, đặc biệt đau tăng khi nuốt nước bọt hay khi ăn uống,

-Có cảm giác nuốt vướng.

-Một số bệnh nhân bị khó thở do amidan sưng to gây chèn ép trong vòm họng

-Ngáy to, nói khàn và có thể mất giọng tạm thời.

-Soi họng thấy vòm họng đỏ, amidan sưng to, tấy đỏ, có thể có giả mạc hay ổ mủ, thậm chí có ổ áp xe.

Đề phòng viêm amidan tái phát lúc thay đổi thời tiết - Ảnh 2.

Viêm amidan gây đau họng, nuốt khó

Viêm amidan mạn tính:

Là tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Viêm amidan tái phát là xuất hiện ít nhất 5-7 lần trong 1 năm, ít nhất 5 lần trong mỗi 2 năm trước đó.

Viêm amidan mạn tính chia làm 3 loại: viêm amidan quá phát, viêm amidan hốc mủ, viêm amidan thể xơ teo.

-Khi viêm amidan tái phát đi tái phát lại nhiều lần sẽ gây tình trạng sốt cao, giọng nói bị thay đổi, khàn giọng hoặc nặng thì mất tiếng trong thời gian đầu, đau họng, nuốt đau nuốt vướng, cảm giác như có dị vật ở vùng cổ họng, hơi thở hôi, ho có thể khạc đờm hoặc khạc ra mủ lẫn máu hay tổ chức hoại tử của amidan.

Khám thấy amidan có hốc mủ, nhiều trường hợp do bị viêm tái phát quá nhiều dẫn đến tổn thương teo xơ hoặc tăng sinh phì đại amidan.

Trong đợt viêm cấp của các trường hợp viêm amidan mạn tính dễ xuất hiện tình trạng sốt cao, co giật; có thể có hốc mủ hay hình thành áp xe họng; thậm chí sốt cao gây mất nước nặng có thể trụy tim mạch, nhiễm khuẩn tai mũi họng cấp, nhiễm khuẩn toàn thân… ảnh hưởng đến tính mạng.

3.Nguyên nhân gây viêm amidan

Amidan là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể để chống lại bệnh tật. Amidan chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể qua miệng và mũi. Tuy nhiên, chúng cũng lại dễ bị lây nhiễm từ những vi khuẩn virus này .

Viêm amidan do virus

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm amidan. Trong đó các virus gây ra cảm lạnh thường là nguồn gốc của viêm amidan, tuy nhiên các virus khác cũng có thể gây ra: rhinovirus, virus Epstein-Barr, viêm gan A, HIV.  Nếu bị viêm amidan do virus, các triệu chứng thường là ho hoặc nghẹt mũi.

Thuông thường thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng với bệnh do virus. Vì thế, không nên uống thuốc kháng sinh ngay mà có thể tự điều trị bằng cách uống nhiều nước, uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi để cơ thể tự chống chọi 

Viêm amidan do vi khuẩn

Chiếm Khoảng 15-30% các trường hợp viêm amidan. Thông thường, đó là vi khuẩn strep, gây viêm họng.‎ Viêm amidan do vi khuẩn hay gặp ở trẻ em từ 5-15 tuổi.  Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm amidan do vi khuẩn. Bên cạnh thuốc kháng sinh, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp tự điều trị tương tự như viêm amidan do virus. 

4.Bị viêm amidan điều trị bằng cách nào?

Trong trường hợp viêm amidan nhẹ có thể không cần điều trị. Viêm amidan do vi khuẩn thì cần dùng thuốc kháng sinh.  Nếu bị viêm amidan tái phát ít nhất 5-7 lần trong năm thì việc cắt amidan có thể hữu ích. Điều này có thể làm giảm các vấn đề về hô hấp hoặc khó nuốt do viêm amidan gây ra.

Ngoài ra cắt amidan làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, cắt hay không cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và bạn vẫn có thể bị viêm họng amidan và các bệnh nhiễm trùng họng khác sau khi cắt amidan.

5.Phương pháp chăm sóc viêm amidan tại nhà 

Đề phòng viêm amidan tái phát lúc thay đổi thời tiết - Ảnh 4.

Nên uống nhiều nước để phòng bệnh

-Cần uống nhiều nước

-Vệ sinh súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày

-Dùng kẹo ngậm bạc hà để sát khuẩn và giảm đau

-Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong nhà

-Có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và viêm

6.Phòng viêm amidan tái phát

Để phòng tránh viêm amidan tái phát, cần có các thói quen vệ sinh đúng cách hằng ngày:

-Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và họng

-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là khi tiếp xúc với người bị bệnh và đồ vật của họ.

-Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống

-Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là sử dụng khăn giấy để vi trùng không dính vào tay.

-Mang khăn lau dùng một lần và nước rửa tay để lau tay hoặc các vật dụng dùng chung khác ở nơi công cộng.

-Không hút thuốc lá cũng như không hút thuốc gần trẻ nhỏ.

Theo suckhoedoidong.vn