Cháy nắng là phản ứng của tế bào da đối với tổn thương do bức xạ từ tia cực tím của mặt trời, cháy nắng có nhiều cấp độ và chúng ta cần phân biệt được chúng để có những cách “cấp cứu” da phù hợp.
Cháy nắng cấp độ 1 thường dễ xuất hiện khi da tiếp xúc với nắng nhẹ trong khoảng thời gian khá dài, lớp trên cùng của da - được gọi là biểu bì - bị tổn thương, dẫn đến mẩn đỏ, đau và sưng tấy.
Cháy nắng cấp độ 2 nghiêm trọng hơn vì lớp tiếp theo của da, được gọi là lớp hạ bì, cũng bị tổn hại. Khi điều này xảy ra, da có thể bị phồng rộp do lớp biểu bì và lớp hạ bì bị tách ra, dịch viêm tràn vào khiến da nổi bong bóng.
Tiến sĩ Adewole Adamson, bác sĩ da liễu kiêm trợ lý giáo sư về nội khoa tại Trường Y khoa Austin Dell - Đại học Texas cho biết: "Trên làn da sẫm màu, vết cháy nắng ban đầu khó nhận thấy hơn vì mẩn đỏ ít rõ ràng hơn”.
Tiến sĩ Jesse Lewin, phó giáo sư và là người phát ngôn của Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ cho biết, bỏng nắng cũng làm hỏng DNA của tế bào da, theo thời gian có thể dẫn đến ung thư da.
Thật không may, bạn không thể làm gì về tác hại lâu dài của cháy nắng đối với DNA của bạn, nhưng có những biện pháp làm dịu làn da của bạn trong thời gian ngắn.
Dưỡng ẩm cho da
Các chuyên gia cho biết, điều quan trọng là uống nhiều nước khi bạn bị cháy nắng vì “lưu lượng máu được vận chuyển đến da tăng lên” có thể khiến bạn mất nước.
Đối với da đã bị cháy nắng, hãy cố giữ cho vết bỏng mát mẻ và tăng cường dưỡng ẩm. Tắm vòi sen, bồn tắm nước mát hoặc chườm lạnh lên vết bỏng. Tuyệt đối không nên chườm đá vì nhiệt độ quá lạnh có thể làm tổn thương da thêm.
Tiếp theo, thoa một loại kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng lên vết bỏng. Tiến sĩ Adamson và Tiến sĩ Holman khuyên dùng các loại kem có chứa các thành phần như ceramides hoặc dầu giúp giữ ẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những loại kem dưỡng da đặc cũng có thể giữ nhiệt, khiến vết thương bị nóng, do đó nên sử dụng sản phẩm có gốc nước hoặc loãng để thay thế.
Lô hội thường được biết đến như một phương pháp điều trị cháy nắng, tuy nhiên các chuyên gia cho biết đây là một loại kem dưỡng ẩm hiệu quả, nhưng không có hiệu quả lắm cho việc điều trị cháy nắng, đặc biệt là các sản phẩm có mùi thơm vì nó sẽ dễ gây kích ứng vùng da vốn đang rất nhạy cảm.
Nếu thực sự khó chịu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như Advil hoặc Motrin, có thể giúp giảm đau và giảm sưng tấy.
Nhẹ nhàng với làn da
Nếu bạn bị phồng rộp, hãy nhớ giữ cho vùng da đó sạch sẽ bằng xà phòng và nước. Da của bạn là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi khuẩn và các mầm bệnh khác, và việc để lộ các mô bên dưới có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng.
Ngay cả khi bạn không bị phồng rộp, bong tróc có thể xảy ra vài ngày sau khi bị bỏng, do lớp da chết trên cùng bong ra. Lúc này, da đang rất nhạy cảm và cần được bạn bảo vệ nhiều hơn. Để tránh những vết thương không bị xước, bác sĩ cho rằng nên dùng kéo y tế đã khử trùng để cắt các mẫu da chết.
Phần lớn các vết cháy nắng không quá nguy hiểm, bạn chỉ cần đi khám bác sĩ nếu bị sốt (vì đó có thể là dấu hiệu của say nắng), hoặc nếu trẻ nhỏ bị bỏng nắng. Thường mất khoảng 1 tuần để làn da của bạn lành lại và hãy ưu tiên chăm sóc vùng da này cũng như hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Hãy chắc chắn rằng bạn thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 và thoa lại sau mỗi 2 giờ. Tốt nhất nên tránh nắng vào khung giờ cao điểm từ 10g - 16g. Cuối cùng, cố gắng đừng lo lắng quá nhiều. Cháy nắng làm tăng nguy cơ ung thư da, "nhưng nó không có nghĩa là nắng có hại cho da” - tiến sĩ Adamson nói.
Theo phụ nữ TPHCM