Theo TS-BS Bùi Khánh, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một số người dễ bị phản ứng da hay còn gọi là viêm da tiếp xúc. Điều này có nghĩa là da của họ có thể bị đỏ, khô, có vảy, sần sùi, phồng rộp hoặc bị kích ứng (viêm) khi họ tiếp xúc với một chất cụ thể có trong thuốc nhuộm tóc.
Chất này có thể là chất gây kích ứng, trực tiếp làm tổn thương da hoặc là chất gây dị ứng, gây ra phản ứng dị ứng ảnh hưởng đến da, trong đó có chứa hóa chất paraphenylenediamine (PPD) - chất gây kích ứng và dị ứng đã được biết. Thuốc nhuộm có màu đậm hơn chứa hàm lượng PPD cao hơn. PPD là nguyên nhân của hầu hết các phản ứng đối với thuốc nhuộm tóc.
Tổn thương nặng hơn sau mỗi lần nhuộm tóc
Thông thường, thuốc nhuộm tóc có chứa PPD an toàn khi sử dụng nếu tuân thủ các hướng dẫn về an toàn. Các sản phẩm này được quản lý chặt chẽ và có giới hạn tối đa về lượng PPD mà sản phẩm có thể chứa.
"Nếu bỏ qua các hướng dẫn an toàn đi kèm với thuốc nhuộm, bạn có thể có nguy cơ bị phản ứng nghiêm trọng", BS Bùi Khánh lưu ý.
Mới đây, BS Khánh điều trị bệnh nhân (BN) nữ 67 tuổi đến khám do 2 vành tai bị ban đỏ, sưng dày, ngứa, chảy dịch có mùi tanh. Các tổn thương này xuất hiện sau khi BN sử dụng thuốc nhuộm tóc. "Đây không phải lần đầu tiên BN có triệu chứng này mà đã xuất hiện ngay từ nhuộm tóc lần đầu tiên. Những lần nhuộm sau, các tổn thương càng nặng hơn", BS Khánh chia sẻ.
Với ca bệnh này, BS Khánh đánh giá: "BN bị dị ứng thể viêm da tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc. BN có thể sử dụng được thuốc nhuộm tóc ở những lần tiếp theo, nhưng việc sử dụng đòi hỏi phải được bác sĩ chuyên khoa lựa chọn sản phẩm thuốc nhuộm tóc khác không chứa thành phần có khả năng gây nên những phản ứng quá mẫn".
Qua thực tế khám, điều trị nhiều trường hợp, BS Khánh cho biết phản ứng dị ứng thuốc nhuộm tóc có thể từ kích ứng nhẹ ở da đầu đến phản ứng dị ứng có khả năng gây các triệu chứng nghiêm trọng khắp cơ thể.
Người bị kích ứng nhẹ bởi PPD có thể thấy da đầu, cổ, trán, tai hoặc mí mắt bị kích ứng và viêm sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc. Da tiếp xúc với PPD có thể bị đỏ, sưng tấy, phồng rộp, khô, dày lên và nứt nẻ, thậm chí có thể cảm thấy nóng rát hoặc châm chích. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện trong vòng 48 giờ, mặc dù các chất kích ứng mạnh có thể khiến da có phản ứng ngay lập tức.
Trường hợp bị dị ứng với PPD, da đầu và mặt có thể bị ngứa và bắt đầu sưng lên. PPD cũng có thể gây ra các triệu chứng khắp cơ thể, chẳng hạn như ngứa, phát ban và thường cảm thấy mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể xuất hiện muộn vài giờ, hoặc thậm chí vài ngày sau đó.
Chuyên gia về dị ứng cảnh báo: Đáng sợ nhất là phản ứng dị ứng nghiêm trọng xuất hiện chỉ trong vòng vài phút, được gọi là sốc phản vệ. Các dấu hiệu sốc phản vệ gồm: ngứa da hoặc nổi mẩn đỏ trên da; sưng mắt, môi, tay, chân; mí mắt có thể sưng nhiều đến mức nhắm mắt lại; cảm thấy lâng lâng hoặc yếu ớt; sưng miệng, cổ họng hoặc lưỡi, đồng thời có thể khó thở; thở khò khè; đau bụng, buồn nôn và nôn; tụt huyết áp, trụy mạch và thậm chí trở nên bất tỉnh.
Xử trí khi có phản ứng dị ứng
BS Khánh tư vấn: Nếu bị phản ứng với thuốc nhuộm tóc, thậm chí chỉ là nhẹ, vẫn nên ngừng sử dụng các sản phẩm có chứa PPD hoàn toàn, vì có nguy cơ bạn có thể bị phản ứng nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Trường hợp bị phản ứng với thuốc nhuộm tóc nhưng không khẩn cấp, có thể giảm các triệu chứng nhẹ bằng cách gội sạch tóc và da đầu với dầu gội dịu nhẹ để loại bỏ thuốc nhuộm thừa. Thử nhẹ nhàng bôi chất làm mềm (điều trị giữ ẩm) như kem nước hoặc dầu bôi trơn lên vùng da bị ảnh hưởng.
Thuốc kháng histamin có thể giúp giảm viêm da và ngứa. Việc dùng thuốc cần theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ. Quay số 115 để gọi xe cứu thương nếu nhận thấy bản thân hoặc người khác đang bị dị ứng nghiêm trọng. Tiêm adrenalin (thuốc quan trọng nhất trong cấp cứu sốc phản vệ) nếu sẵn có.
Theo Thanh niên